PGS Lâm cho biết, mầm đậu nành có chứa thành phần Isoflavon hay còn gọi là nội tiết tố nữ thực vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã khuyến nghị, mỗi ngày, các chị em (ngay cả phụ nữ mang thai) cần hấp thu khoảng 45 mg Isoflavon. Bạn có thể bổ sung Isoflavon từ việc ăn đậu phụ uống sữa đậu nành, bột đậu tương hoặc uống các chế phẩm từ tinh chất mầm đậu nành.
Không chỉ có vậy, TS Lâm còn cho rằng, Isoflavon từ mầm đậu nành giúp dự phòng mỡ máu cao, đặc biệt, những người có nguy cơ mỡ máu cao, uống bổ sung Isoflavon là điều cần thiết. Hơn nữa, những người tăng huyết áp, khi dung nạp Isoflavon sẽ giảm huyết áp, hạ mỡ máu.
Thông tin đậu nành gây ung thư là không có cơ sở khoa học.
“Phụ nữ thường xuyên dùng đậu nành sẽ rất tốt, không những tăng cường chuyển hóa mà còn đẹp da, thêm canxi, nhiều khía cạnh tốt…”, PGS.TS Lâm bày tỏ.
Đồng thời, vị chuyên gia này còn khẳng định: “Estrogen trong đậu nành là Estrogen thực vật hay còn gọi là Phytoestrogen, không phá vỡ chứng năng nội tiết, cũng không gây nguy cơ”. PGS Lâm dẫn chứng: “Nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm nguy cơ ung thư”.
Tuy nhiên, PGS Lâm khuyến cáo, bất kỳ một loại thực phẩm hay sản phẩm gì, chúng ta cũng nên dùng ở mức độ vừa phải, trong khuyến nghị cho phép và đậu nành cũng không phải ngoại lệ.
“Mặc dù estrogen có trong đậu nành là estrogen thảo dược, có khả năng tự đào thải khi cơ thể dư thừa nhưng rõ ràng chúng ta cũng không nên dùng quá nhiều. Như vậy vừa giúp cơ thể hấp thu tốt nhất lượng dưỡng chất cần thiết, vừa tránh lãng phí”, PGS Lâm nói.
Ngoài những tác dụng tốt cho phụ nữ, PGS.TS Lâm còn bật mí: “Thực phẩm đậu nành không có hại với sức khỏe nam giới như lời truyền miệng”. Theo bà Lâm, đậu nành không làm ảnh hưởng đến nồng độ estrogen hay testosterone ở nam giới và cũng không làm ảnh hưởng đến tinh trùng hay tinh dịch.
“Bởi lẽ, tác dụng sinh học của nội tiết tố nữ thực vật (hay còn gọi là Isoflavon cũng là nội tiết tố thực vật estrogen) yếu hơn từ 500 – 1.000 lần so với nội tiết tố nữ từ nguồn động vật nên không ảnh hưởng tới khả năng tình dục nam giới”, bà Lâm giải thích.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Đức Vy, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết: “Hiện nay, có nhiều người cho rằng, những phụ nữ bị u nang, u xơ hay có ung bướu thì nên tránh sử dụng các chế phẩm từ đậu nành vì nó gây kích thích các khối u phát triển. Tuy nhiên, thực tế là trong mầm đậu nành chứa isoflavone có phân tử gần giống với estrogen, có tác dụng gần giống estrogen, được gọi là phytoestrogen nhưng không gây tăng kích thước khối u”.
GS Vy cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phytoestrogen có ái lực thấp hơn 500-1000 lần so với estrogen. Nếu như estrogen có tác động kích thích mô vú mà nội mạc tử cung thì phytoestrogen lại tác dụng kém trên nội mạc tử cung và mô vú.