Điều đáng lo ngại, dịch cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, khó phát hiện là một thách thức trong việc giám sát, phát hiện sớm dịch trên gia cầm, trên người ở Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, nơi có khoảng 118km đường biên giới giáp với Trung Quốc nên nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhập khá cao. Sở Y tế Quảng Ninh cho hay, cơ quan này giám sát tại khu vực cửa khẩu bằng các thiết bị như máy đo thân nhiệt (đối với người) và tổ chức phun hóa chất khử trùng đối với hàng hóa, phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam.
Sở Y tế Quảng Ninh nhấn mạnh khi phát hiện người nhập cảnh có biểu hiện sốt, nhiễm cúm sẽ tổ chức cách ly, hoặc thậm chí từ chối cho nhập cảnh (đối với người nước ngoài).
Nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội, gà vịt vẫn được nhốt, giết thịt bình thường như chưa có cảnh báo dịch cúm. Ảnh: H.Phương |
Trước nguy cơ dịch cúm này ảnh hưởng trực tiếp tới người dân trong nước, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia cầm giết mổ tại chợ.
Ông Thịnh cho hay: “Hiện nay, gia cầm của Việt Nam chưa có dấu hiệu bị H7N9. Nhưng có một hiện tượng gà nhập lậu bên Trung Quốc vào Việt Nam nhiều. Khi di chuyển gà qua các tỉnh không thể phân biệt được gà bệnh hay không bởi vi sinh vật phát triển rất mạnh. Vì thế các gia đình cố gắng không nên sử dụng gia cầm giết mổ tại chợ nữa”.
Nếu các gia đình nuôi gà tại nhà thì vẫn có thể làm thịt bình thường và ăn bình thường. Tuy nhiên, khi giết mổ gà tại nhà, các gia đình cần xử lý lông gà, nội tạng sạch sẽ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên các bà nội trợ không nên mang gà giết gà ở chợ về vì như vậy vẫn có thể sẽ lan dịch, mang mầm bệnh rất nguy hiểm.
Trong trường hợp gia cầm đã có dấu hiệu bị bệnh, tuyệt đối không nên ăn. Với tình hình thực tiễn hiện nay dịch cúm A /H7N9 đang có dấu hiệu lây sang người nên các gia đình tuyệt đối không nên ăn vì nếu ăn bị mắc bệnh và nguy hiểm cho cả gia đình.
Theo Hà Phương (Giadinh.net.vn)