Con “lơ ngơ” sau khi được mẹ “vỗ béo” bằng thuốc cam

05/11/2015 15:19:40

Sinh con ra hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường nhưng do thiếu hiểu biết, muốn “vỗ béo” cấp tốc cho con nên nhiều bà mẹ đã vô tình hại con bằng những gói thuốc cam của các “lang vườn”.

Sinh con ra hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường nhưng do thiếu hiểu biết, muốn “vỗ béo” cấp tốc cho con nên nhiều bà mẹ đã vô tình hại con bằng những gói thuốc cam của các “lang vườn”.

Trần Minh N. (6 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) đang được điều trị tại Trung tâm chống độc-BV Bạch Mai


Ngày 5-11, theo tin từ Trung tâm chống độc-Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây đang tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Trần Minh N. (6 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) ngộ độc chì do dùng thuốc cam của một thầy lang. Cháu vào viện vì hay bị nôn, da xanh xao, trí tuệ chậm phát triển, không chịu tiếp xúc và hòa nhập với cộng đồng như: không nói chuyện với bạn, hay ngồi thu lu một chỗ, không chào hỏi ai khi tiếp xúc với người lớn. Trước khi bị ngộ độc chì, trí tuệ của cháu bé hoàn toàn bình thường. Kết quả xét nghiệm của trường hợp này có hàm lượng chì trong máu cao, 26,19mcg/dcl (cao gấp nhiều lần lượng chì cho phép trong cơ thể).

Mẹ cháu bé cho biết, do sốt ruột vì con trai lười bú, chậm tăng cân nên chị đã mua thuốc cam cho con uống ngay từ khi cháu bé mới vài tháng tuổi. Thấy con tăng cân, chị càng cho con uống thuốc cam nhiều hơn. Chị còn trộn thuốc cam vào cháo cho con ăn đến hơn 1 tuổi mới dừng. Lúc này, con bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như: môi khô, xuất hiện những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém… nhưng gia đình vẫn không hề nghĩ con bị ngộ độc chì. Gia đình đã đưa con đi khám tâm thần ở Viện sức khỏe tâm thần Trung ương. “Tuy nhiên, sau khi khám và làm các xét nghiệm thì họ chuyển con tôi sang Trung tâm chống độc. Các bác sĩ đã dùng thuốc gắp chì succicaptal, sau 10 ngày, lượng chì trong máu của còn tôi giảm xuống còn 15mcg/dcl”, mẹ bé N. nói.

Hằng năm, tại Trung tâm chống độc-BV Bạch Mai đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc chì ở trẻ em và người lớn. Vào thời gian cao điểm (năm 2013), tại Trung tâm chống độc đã từng điều trị cho hơn 170 trẻ bị ngộ độc chì mà phần lớn đều liên quan đến sử dụng thuốc cam nhằm tẩm bổ, tăng cân.

Theo Giám đốc Trung tâm chống độc-BV Bạch Mai Nguyễn Kim Sơn, trong các trường hợp ngộ độc chì có rải rác trẻ nhập viện điều trị ngộ độc chì do thuốc cam. Trường hợp bị ngộ độc chì đầu tiên là một bé gái. Hiện tại bệnh nhân này đã hơn 20 tuổi nhưng ngoài biết bấm tivi và gọi được từ “mẹ” thì cháu không làm được việc gì khác kể cả vệ sinh cá nhân. Trước khi bị ngộ độc chì, bé gái này hoàn toàn bình thường.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trẻ nhiễm độc chì khả năng gây tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh trung ương và để lại di chứng não nặng 20%, tử vong lên đến 50%. Các loại thuốc cam có chứa chì hiện nay ở Việt Nam, qua tổng kết từ các bệnh nhân tại Trung tâm chống độc, thì các loại thuốc cam dạng bột, viên có màu sắc như đỏ, màu cam, màu hồng, màu nâu không rõ nguồn gốc, thường là các loại thuốc có chứa hàm lượng chì cao. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, nếu phụ huynh nào đã trót cho con dùng thuốc cam bột hoặc viên không rõ nguồn gốc thì nên cho cháu đi kiểm tra nồng độ chì trong máu, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
 
Theo Gia Phong (Hà Nội Mới)