Tết sắp về. Trong khi những đứa con xa nhà háo hức mong chờ ngày về sum vầy với gia đình thì tôi lại thấy trong lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Năm nay, tôi không muốn đưa vợ con về quê ănTết.
Ra trường, tôi vừa đi làm đã lấy vợ ngay. Tôi học ngành xã hội nên không có nhiều cơ hội việc làm. Từ đó tới nay, tôi an phận thủ thường trong một cơ quan nhà nước. Vợ tôi là viên chức, gia cảnh nhà vợ cũng khó khăn. Hai vợ chồng tôi hiện đã có con gái 6 tuổi nhưng vẫn phải đi ở trọ. Tôi rất buồn vì bản thân mình kém cỏi, để vợ con vất vả và cũng chưa giúp bố mẹ được gì.
Trong khi đó, em trai tôi là người rất nỗ lực, quyết tâm. Em tôi tìm mọi cách để phát triển sự nghiệp, kiếm tiền. Sau nhiều lần chuyển chỗ làm, em tôi đã trở thành trưởng phòng của một công ty có tiếng. Năm trước, em trai tôi cưới một cô gái gốc phố, nhà giàu. Được sự trợ giúp kinh tế từ nhà vợ, ngay năm đó em trai tôi mua đượcnhà đẹp, ô tô. Em tôi cũng gửi tiền giúp bố mẹ tôi sửa sang nhà cửa. Nhờ có cậu ấy, bố mẹ tôiđược nở mày nở mặt với dân làng.
Khi khoảng cách về kinh tế giữa 2 anh em tôi mỗi ngày thêm lớn thì tình cảm cũng nhạt nhòa theo. Phần vì chúng tôi ở xa, phần vì từ ngày lập gia đình, vợ chồng em tôi không hỏi han gì tới anh chị và cháu. Mặc dù đã xác định "anh em nhất giả kiến phận" nhưng tôi vẫn thấy rất buồn. Trong thâm tâm, tôi vẫn coi em mình là máu thịt.
Trong những lần gia đình đoàn viên, cả nhà thường dành cho em tôi những lời khen ngợi và chê tôi không có chí tiến thủ nên cuộc sống cứ dậm chân tại chỗ mãi thôi. Em tôi cũng hay lên giọng "dạy anh" cách kiếm tiền. Nhưng có ai ở vị trí của tôi mới hiểu mọi thứ chẳng dễ dàng gì với một người có hoàn cảnh như tôi.
Mặc dù nhà có thêm em dâu, nhưng suốt 9 ngày nghỉ Tết, mọi việc trong nhà đều đến tay vợ tôi làm. (Ảnh minh họa) |
Tết trước là cái Tết đầu tiên em trai tôi lấy vợ. Như mọi năm, nghỉ việc cơ quan là vợ chồng tôi đưa con về quê giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và sắm Tết. Vợ chồng tôi biếu bố mẹ 3 triệu trong tổng số tiền thưởng Tết ít ỏi của chúng tôi. Vợ chồng em trai tôi tận 29 Tết mới về, biếu bố mẹ 10 triệu và mua rất nhiều quà cáp. Bố mẹ tôi mừng rỡ vô cùng.
Mặc dù nhà có thêm em dâu, nhưng suốt 9 ngày nghỉ Tết, mọi việc trong nhà đều đến tay vợ tôi làm. Trong khi con dâu mới chỉ đi chơi Tết hoặc loanh quanh ở nhà trên tiếp khách với bố mẹ chồng thì vợ tôi lầm lũi ở dưới bếp nấu nướng, giặt giũ, rửa bát, quét nhà… Em dâu tôi được mẹ tôi dắt tay đi giới thiệu với từng người. Đối với bà, nhà có cô con dâu giàu có, sành điệu là một niềm tự hào đáng kể.
Mẹ tôi nói với vợ tôi rằng : "Con thạo việc thì làm cho em. Em nó là gái phố, không quen việc. Chị em trong nhà không nên tính đếm. Sau này vợ chồng con còn phải nhờ cậy em nhiều". Vợ tôi vẫn vui vẻ làm việc vì coi đó là trách nhiệm của mình. Chứ thực tâm vợ chồng tôi chưa bao giờ có ý định nhờ cậy em tôi bất cứ việc gì.
Rồi khi ngồi xuống mâm cơm, có miếng ngon mẹ tôi chọn gắp cho vợ chồng em tôi trước. Trong câu chuyện ngày Tết, bố mẹ và em tôi vẫn tiếp tục "lên lớp" vợ chồng tôi. Những lời bố mẹ và em nói khiến tôi có cảm giác mình như một kẻ vô dụng, bất tài.
Ở đời, “giàu trọng, khó khinh”, điều gì em tôi nói ra cũng được mọi người tán thưởng. Biết phận mình, tôi đành im lặng. Vì biết mình có nói gì cũng bị phản biện, chê bai.
Đêm giao thừa năm trước rét căm căm, một mình tôi ngồi canh nồi bánh chưng đun bằng bếp củi, vợ tôi tay tím tái vì một mình vặt lông 3 con gà để sắp các lễ cúng giao thừa và mùng 1. Con tôi mũi dãi tèm lem lang thang ngoài sân giếng chơi với mẹ. Còn bố mẹ và vợ chồng em trai tôi ngồi uống trà, xem chương trình "gặp nhau cuối năm".
Hôm nhà tôi và nhà em trai đi, mẹ tôi sắp 2 túi quà. Túi to cho em và túi bé cho tôi. Tôi nói: “Bố mẹ để lại mà dùng, không phải cho chúng con đâu”. Tôi vừa dứt lời thì bố tôi bảo: “Đúng là đã nghèo lại còn sĩ diện. Hay không có cho bố mẹ nên anh chị ngại à?”. Nghe bố nói, tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Dư vị cái Tết buồn cứ vương vấn mãi trong tâm trí của tôi.
Nghĩ đến cái Tết trước, Tết năm nay, tôi chẳng muốn về. Tôi vẫn gọi điện thăm hỏi và biếu bố mẹ tiền tiêu Tết. Tôi định đăng ký trực Tết ở cơ quan và cho vợ con về ăn Tết với bà ngoại. Khi Tết vắng đứa con nghèo, không biết bố mẹ tôi có buồn không?
Theo Phương Ngọc (Dân Việt)