Vợ con trai tôi tuyên bố với bên nội: “Không trông cháu, không cho cháu được một đồng thì cũng không có quyền bắt cháu về thăm ông bà nội”. Thay vào đó con dâu thường xuyên ôm cháu về nhà ngoại chơi.
Nếu cha mẹ có thời gian, sức khỏe để trông cháu hộ các con mà không làm thì chúng nó có quyền trách móc. Đằng này chúng tôi tuổi cao sức yếu mà chúng vẫn không thông cảm cho.
Chuyện là thế này, lúc con dâu sinh con tôi cũng lên Hà Nội 2 tuần để chăm cháu. Nhưng lúc lên tôi không nhận được sự tôn trọng của con dâu. Tôi làm gì cháu cũng không vừa ý. Đỉnh điểm là hôm nọ có mỗi tôi với cháu trong phòng cháu muốn lấy cái khăn, pha bình sữa…cũng kêu mẹ cháu (đang ở phòng khác) chứ tuyệt nhiên không thèm nhờ mẹ chồng.
Sau 2 tuần thấy mình như người thừa tôi bắt xe về quê. Con dâu nghỉ thai sản 6 tháng thì đi làm. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẽ phải lên để trông cháu cho các con đi làm nhưng ai ngờ gần đến ngày lên thì chồng tôi bị tai nạn gãy chân phải nhập viện. Tôi đành gọi điện cho con trai bảo con sắp xếp chứ tôi không thể để ông ở nhà một mình mà đi.
Không giúp được các con chúng tôi bị trách móc đủ đường (Ảnh minh họa) |
Sau đó, con trai gọi điện báo cáo là đã nhờ bà ngoại lên trông cháu nên tôi cũng an tâm ở nhà. Dù ở nhà chăm chồng nhưng rảnh rang tôi cũng trồng rau, nuôi gà. Hàng tuần tôi đóng thùng từng bó rau, làm thịt từng con gà, bồ câu…rồi chuyển xe ra cho các cháu. Việc không ra trông cháu nội khiến tôi rất áy náy.
Được 3 tháng con trai lại gọi điện về nhờ bà nội lên thành phố vì bà ngoại bận việc phải về quê. Tôi lên trông cháu được 1 tuần thì ở nhà chồng tôi lại ốm. Cuối cùng tôi lại phải về quê. Con trai và con dâu thuê người giúp việc.
Thế mà con dâu lại cho rằng, tôi kiếm cớ để không phải lên trông cháu. Cháu đi tâm sự với một người chị bên họ nhà chồng rằng: “Số em lấy chồng mà không được nhờ chồng. Con em từ lúc lọt lòng đều một tay mẹ đẻ em chăm, đến khi bà bận về quê còn cho chúng em tiền để thuê giúp việc. Lương bọn em vừa thuê nhà vừa thuê giúp việc thì lấy đâu ra tiền để sống? Đúng là cháu bà nội tội bà ngoại”.
Tôi nghe thế buồn lắm nhưng vì không giúp được gì các con nên tôi cũng im lặng. Nhưng mọi việc càng tệ hại hơn khi con dâu coi khinh nhà chồng ra mặt.
Quần áo tôi mua từ quê gửi ra cho cháu thì con dâu mang cho osin vì chê “chất đểu, dáng quê”. Cháu rất ít khi gọi điện về hỏi han bố mẹ chồng dù chồng tôi đau ốm suốt ngày. Ông nội nhớ cháu muốn các con đưa cháu về chơi thì con dâu hết lần này đến lần khác tìm cớ thoái thác. Lúc thì bảo bố mẹ bận việc, lúc thì kêu cháu ốm, lúc thì trời lạnh cháu về quê thay đổi môi trường dễ ốm… Có lần tôi gọi điện lên Hà Nội thì được người giúp việc kể là con dâu cấm con trai tôi mang con về quê vì nó tuyên bố: “Không trông cháu, không cho cháu được một đồng thì cũng không yêu cầu này nọ”.
Thay vào đó, con dâu vẫn mang con về quê ngoại. Thậm chí tháng vừa rồi cháu còn xin nghỉ 1 tuần để 2 mẹ con về ngoại chơi cho thoải mái. Nhớ cháu 2 vợ chồng tôi bắt xe lên Hà Nội. Lúc đến con dâu vẫn đón tiếp nhưng miễn cưỡng, thái độ không thoải mái. Ông mua mấy gói bim bim cho cháu thì con dâu tỏ ý không vừa lòng nói: “Ông cứ tạo thói quen xấu cho cháu. Cháu ăn những thứ này không tốt đâu”.
Đến ngày thứ 3, quá giận, chồng tôi có họp gia đình và nói với các cháu: “Từ ngày cháu nội sinh đến giờ đã được 9 tháng mà các con chưa cho cháu về quê thắp hương báo cáo tông bà tổ tiên là không được. Càng ngày các cháu càng xa quê và quên hết họ hàng anh em”.
Ông vừa dứt lời con dâu tôi đã nổi giận. Bao nhiêu bực tức cháu trút hết ra. Cháu trách mang tiếng nhà nội nhưng chúng tôi vô trách nhiệm. Không trông cháu được tháng nào, không thức đêm bế con hộ cháu một đêm nào, chưa một lần thay tã cho cháu…Chồng tôi nói: “Chuyện nào ra chuyện đó, nó là cháu đích tôn vẫn phải về nhà thờ báo cáo”.
Con dâu bức xúc nói thẳng: “Ai không chăm cháu thì cũng chẳng có quyền”.
Sáng sớm hôm sau, cháu bắt xe đưa luôn con về quê ngoại không nói một lời với chúng tôi. Chiều hôm ấy hai vợ chồng tôi cũng lóc cóc ra bến xe về quê trong buồn bã mặc dù con trai hết lời nói bố mẹ thông cảm cho vợ.
(Ghi theo lời kể của bà H., Thanh Hóa)
Theo VietNamNet