Có hay không thần dược chữa bách bệnh?

16/09/2015 15:49:52

Ăn sống 49 hạt đỗ đen chữa tiểu đường, dừa cạn, nấm lim xanh là những thần dược chữa bách bệnh được người dân truyền tai nhau. Thực tế, chúng có công dụng như thế nào?

Ăn sống 49 hạt đỗ đen chữa tiểu đường, dừa cạn, nấm lim xanh là những thần dược chữa bách bệnh được người dân truyền tai nhau. Thực tế, chúng có công dụng như thế nào?

Trong chương trình Nhật ký cuộc sống (VTC14), thạc sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Phó chủ nhiệm Khoa Khớp và Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103, cho biết: " Có nhiều bệnh nhân mắc những bệnh yêu cầu thời gian điều trị kéo dài, tốn kém. Vì vậy, họ tìm đến các biện pháp điều trị đơn giản và ít tốn kém hơn. Có những bệnh nhân đã được kê toa điều trị nhưng sau đó lại sử dụng phương pháp chữa trị không chính thống. Sau một thời gian quay trở lại, bệnh đã nghiêm trọng, khó chữa và xuất hiện nhiều biến chứng".
 

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Vài năm trước đây, người dân đổ xô lên các cánh rừng tỉnh Phú Yên để tìm mật nhân, loại cây được cho là thần dược chữa bách bệnh. Sau đó, cũng không ít người về Quảng Nam truy tìm loại "thần dược" có tên nấm lim xanh.

Chưa biết hiệu quả của những loại cây này đến đâu, nhưng người dân tự ý chữa bệnh hay nghĩ ra các phương pháp trị liệu cho mình đã dẫn đến nhiều trường hợp phải nhập viện, xấu nhất là tử vong.

Bà Nguyễn Thị Hương (Ba Vì, Hà Nội) bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, tự ý mua thực phẩm chức năng được quảng cáo với công dụng thải độc gan. Sau một tháng sử dụng, bà Hương phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân giống như bà Hương tự ý chữa trị mà không có chỉ định của bác sĩ khi được chuyển đến viện, phần lớn trong tình trạng suy đa tạng, suy hô hấp nặng.

Chị Đậu Thị Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội) mang thai ở tháng thứ 8. Mỗi tuần, chị bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua một hộp đông trùng hạ thảo được cho là có xuất xứ từ Hàn Quốc.

"Đông trùng hạ thảo có tính ấm, nóng. Khi trẻ nhỏ trong bào thai hoặc dưới 5 tuổi, thường thuần dương, vô âm, tức là tính dương mạnh, gặp các loại thuốc nóng sẽ rất có hại cho trẻ nhỏ", BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, tư vấn.

TS. Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng chia sẻ những bệnh hiểm nghèo, mắc lặp lại nhiều lần, người dân sử dụng các bài thuốc dân gian đó như một thực phẩm hỗ trợ, tăng cường sức khỏe rồi tuyên truyền như một thần dược. Trên thực tế, không có loại thuốc nào là thần dược. Vì vậy, nhiều người đau đớn chịu cảnh tiền mất, tật mang khi chạy theo trào lưu dùng thần dược.
 
>> Sự thật về "siêu thần dược" lan kim tuyến giá 100 triệu đồng/kg
>> "Thần dược" chữa hiếm muộn từ thiên nhiên
>> Lạm dụng "thần dược" tình dục - Lợi bất cập hại
Theo Phạm Anh (VTC.vn)

Nổi bật