Có 3 con dâu, vẫn phải sống một mình

30/01/2015 10:33:41

Bà mang rổ kim chỉ bày ra bàn, ngồi mân mê những chiếc áo cũ, cố tìm cho ra mấy lỗ rách nhỏ xíu để vá cho có chuyện mà làm. Ba bữa cơm với đàn gà và đám rau ngoài vườn dường như vẫn chưa đủ để giúp bà tiêu xài hết thời gian trong ngày, nên bà vẫn cảm thấy cô đơn, hiu quạnh.

Bà mang rổ kim chỉ bày ra bàn, ngồi mân mê những chiếc áo cũ, cố tìm cho ra mấy lỗ rách nhỏ xíu để vá cho có chuyện mà làm. Ba bữa cơm với đàn gà và đám rau ngoài vườn dường như vẫn chưa đủ để giúp bà tiêu xài hết thời gian trong ngày, nên bà vẫn cảm thấy cô đơn, hiu quạnh.

Ngày cưới vợ cho thằng con lớn, ai cũng khen bà có phúc khi cưới được cô con dâu “đẹp người đẹp nết”. Cô vén khéo, tỉ mỉ dọn dẹp đâu vào đó sau đám cưới. Đi làm thì thôi, về đến nhà là xắn tay vào nấu nướng, quét dọn sạch sẽ. Sống với bà được đúng 3 tháng, con dâu xin phép ra ở riêng vì “rồi cũng đến lượt hai em lấy vợ, vợ chồng chú út mới là người sống cùng mẹ”. Họ bán miếng đất bà cho, ra thị xã cất nhà. Thật ra thì cô vợ đã có “gieo kèo” từ trước với chồng là chỉ “làm dâu” đúng 3 tháng rồi ra riêng, không chậm trễ một ngày thì cô mới ưng. Thương mẹ, nhưng anh ta nghĩ còn có hai em chăm lo cho mẹ, hơn nữa sớm hay muộn thì anh cũng sẽ ra riêng thôi.
 

Ít năm sau bà cưới vợ cho thằng hai, một cô gái ở cuối xóm. Tưởng hai nhà gần nhau, dù vợ chồng thằng hai có ra riêng thì ít ra bà cũng được gần gũi con cháu, tối lửa tắt đèn còn có nhau. Thế nhưng đám cưới hồi tháng giêng thì đến tháng chạp cùng năm cô dâu giữa xin ra riêng với lý do rất hợp tình là “Tụi con cứ ở cùng mẹ miết thì ai mà dám ưng chú út, vì cô gái nào cũng sẽ ngại va chạm, chung đụng với chị em bạn dâu. Tụi con phải nhường nhà lại cho chú út thôi”. Thế nhưng khi bà gợi ý cất nhà trên miếng đất của bà cho thì cô không chịu, “phân bì” với anh chị cả được tự quyết theo ý mình, cũng với lý do hết sức hợp lý: “Sống nơi thị tứ sau này tụi nhỏ dễ phát triển hơn, buôn bán thuận lợi hơn là ở chỗ lỡ chợ lỡ quê thế này”. Thôi thì, vì con vì cháu, bà đành chấp nhận.

Rồi cũng đến lúc thằng út của bà lấy vợ. Vợ anh là cô giáo dạy ở huyện, được cấp cho căn hộ tập thể trên đó. Bà luôn hy vọng con dâu sớm xin chuyển trường về được gần nhà để ba mẹ con gần nhau. Công việc của anh con út là kinh doanh xe cũ, thu mua lúa gạo nên cũng không ảnh hưởng nhiều khi thay đổi chỗ ở, lúc đầu anh còn đi đi về về giữa căn hộ trên huyện và nhà mẹ, sau thì dọn hẳn lên đó ở với vợ. Cuối tháng hai vợ chồng về chơi với bà hai ngày thứ bảy và chủ nhật, nhưng dần dần cứ thưa hẳn.. Mỗi lần nhớ con cháu, bà lại ra vườn gom mớ trứng gà, hái ít trái cây rồi bắt xe đò đi thăm từng nhà, mỗi nhà ở lại dăm bữa. Có lẽ bà cũng hài lòng và chấp nhận cuộc sống như vậy, nếu không có những “góp ý” khéo léo.

Một tối bà ở nhà vợ chồng thằng con lớn, con dâu vào phòng ngồi bên cạnh bà nắm tay nắm chân ra chiều thân mật, nó biếu bà xấp vải gấm rất đẹp để may áo bà ba mặc, nó còn dúi cho bà một xấp tiền dầy, bảo mẹ cất mà xài, rồi nó nói: “Mẹ lớn tuổi rồi đi lại nhiều không tốt. Với lại, mỗi nếp nhà có mỗi cách sống khác nhau, mỗi lần mẹ ra rồi về ít nhiều cũng có sự xáo trộn. Mai mốt tụi con sẽ tranh thủ đưa cháu về thăm mẹ”. Bà hiểu ý của con dâu, nên từ đó ít đến hẳn, chỉ khi nào lâu quá không gặp cháu bà mới đến thăm rồi về luôn trong ngày. Mà con dâu của bà cũng “khéo” không chê được khi đôi tháng lại gửi quà cho bà, hàng xóm ai cũng khen bà có phúc, chỉ có bà là ứa nước mắt vì cái phúc của mình, nhìn mớ quà chất đống trong tủ mà buồn không sao nói hết.
 

Ảnh minh họa. Tác giả: Bèo cám

Còn con dâu út thì lần về gần nhất đã nói với bà rằng: “Mẹ vất vả đi thăm tụi con làm con ngại quá. Nhà của tụi con nhỏ hẹp, không có vườn tược thoải mái như ở đây. Để lâu lâu tụi con về thăm mẹ được rồi, mẹ đừng ra nữa nhé”. Con dâu giữa thì nhỏ to với bà hôm đám giỗ ông rằng: “Tụi con bận buôn bán suốt ngày, mấy đứa nhỏ thì đi học… mỗi lần mẹ lên là con lại phải cố gắng dọn hàng sớm để không thôi chồng con la vì có mẹ lên chơi mà cứ đi sớm về trễ…”.

Cả ba cô con dâu của bà ai cũng thông minh, giỏi giang. Họ đủ thông minh để hiểu bà, và biết rằng bà là một người mẹ thương con, không muốn để con mình lo buồn hay bận lòng, nên bà sẽ chẳng bao giờ hé môi tâm sự với các con trai về những điều con dâu nói. Với lại, chuyện của đàn bà mà nói ra với những người đàn ông, bà thấy sao nó nhỏ nhen và tầm thường quá. Bà ngẫm thời của bà ai cũng làm dâu và coi chuyện làm dâu là lẽ tất nhiên khi bước chân đi lấy chồng, nhưng thời nay rất ít người chấp nhận làm dâu.

Bà nhớ đến lời gợi ý của bà bạn già, cũng có cảnh con đàn cháu đống nhưng cô đơn như bà: “Hay tui với bà ghép lại ở chung cho có bạn”. Không dưng bà lại ứa nước mắt. Thằng con lớn của bà bất ngờ ghé qua, đưa cho bà một gói đồ vợ nó gửi. Nó hỏi sao bà khóc, bà cười nói với nó: “Đâu có… mẹ vá áo, nhìn chăm chú quá nên mỏi mắt, chảy nước mắt sống thôi con”.
 
Theo Hải Thư (Phụ Nữ TPHCM)