Từng bị gia đình gả bán lúc còn trẻ nhưng hai cụ vẫn quyết bên nhau, cùng nắm tay vượt qua bao thăng trầm cuộc sống suốt nhiều thập kỷ.
Cụ Theo tình cảm với vợ khi hai người đi du lịch cùng con cháu. Ảnh: NVCC. |
Hai nhân vật chính trong ảnh là cụ ông Phạm Xuân Theo (85 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Hảo (87 tuổi) ở thành phố Tuyên Quang. Ảnh vợ chồng cụ Hảo được người thân chụp lại trong chuyến du lịch Nha Trang - Đà Lạt một tuần mới đây của đại gia đình. Khâm phục trước tình cảm của bố mẹ, chị Phạm Thị Kim Huế đã chia sẻ hình lên trang cá nhân với mong muốn lan tỏa yêu thương, đồng thời giáo dục lòng hiếu thảo ở các con mình.
Chị Huế, hiện làm quản lý một trường mẫu giáo nổi tiếng ở Định Công, Hà Nội, thấy vui và hạnh phúc vì không ngờ bộ ảnh được đón nhận đến vậy. Hôm tới Nha Trang, thấy cụ Hảo không có đồ bơi, con dâu liền chạy đi mua tạm một bộ cho mẹ. Ban đầu cụ ngượng ngùng không dám mặc nhưng sau được con cháu động viên, cụ Hảo mới dám bước xuống biển với bộ đồ "màu hơi trẻ", mặc cho những ánh nhìn xung quanh.
"Màu hơi trẻ nhưng không sao. Chắc vì màu đó nên cụ mới hot", chị Huế vui vẻ nói.
Từ lúc được nhiều người biết tới, chị Huế vẫn chưa nói với bố mẹ bởi ông bà không đọc báo và cũng chẳng biết tới mạng điện tử. Cô giáo mầm non cho hay việc đưa bố mẹ đi du lịch hay đăng ảnh các cụ lên mạng không phải để mọi người khen ngợi mà chị muốn đền đáp công dưỡng dục của đấng sinh thành. Chị Huế có hai niềm vui khi được báo chí biết tới: tuổi tác của bố mẹ và quan trọng hơn cả, việc làm của chị mang tính giáo dục con cháu, rằng phải luôn có hiếu với đấng sinh thành.
Theo chị, tình yêu của lớp trẻ ngày nay thoáng hơn xưa. Nhiều người có vợ, chồng nhưng vẫn quan hệ ngoài hôn nhân. Chuyện tình chung thủy và bền chặt của bố mẹ chị chính là tấm gương sáng cho con cháu trong nhà noi theo. Chị Huế từng vất vả một nách ba con khi chồng qua đời và chèo chống, lo cho ngôi trường tư thục cùng 60 nhân viên. Nhận mình không phải người có điều kiện kinh tế nhưng chị vẫn muốn bù đắp cho bố mẹ những năm tháng cuối đời.
Từ ngày chồng mất, năm 2011, dù bận tới mấy, chị Huế cũng sắp xếp đưa bố mẹ đi đó đây và dành tình cảm, sự chăm sóc nhiều hơn cho họ. Lý do làm vậy là vì chị không may mắn được nắm tay chồng đến tận lúc về già như bố mẹ. Mỗi chuyến đi cùng con cháu, các cụ đều cảm thấy hãnh diện và phấn khởi. Chị Huế cho biết sau chuyến vừa rồi, hai cụ còn ước nguyện đi Điện Biên và Phú Quốc.
"Sau đợt này, tôi sẽ đưa bố mẹ lên Điện Biên", chị Huế chia sẻ.
Nhắc tới bố mẹ, cô giáo mầm non tâm sự chị luôn ngưỡng mộ tình cảm của họ. Cụ ông và cụ bà luôn yêu thương và tình cảm, dù đã bên nhau nhiều thập kỷ. Vợ chồng cụ Hảo là người cùng làng, cùng xã ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hồi còn trẻ, họ yêu nhau rồi cùng đi thanh niên xung phong.
Ngày xưa, bố mẹ chị bị gia đình gả bán mỗi người một nơi nhưng cả hai vẫn quyết tâm đến với nhau rồi lên khai hoang ở Nông trường Quốc doanh Sông Lô, Tuyên Quang, từ năm 1961. Hai cụ có với nhau 5 người con chung. Ở nông trường ai cũng biết và yêu quý vợ chồng cụ Hảo.
Chị Huế (ngoài cùng bên phải) và bố mẹ trong chuyến du lịch cùng gia đình mới đây. Ảnh: NVCC. |
Trong ký ức của mình, chị Huế vẫn nhớ như in cảnh gia đình đông con những năm bao cấp. Ngoài là công nhân nông trường, mẹ chị còn tần tảo sớm hôm làm thêm đậu phụ để mang vào làng đổi lấy lúa non. Ngày ấy, chị em chị cũng phải thức tới 1-2 giờ sáng cùng mẹ làm đậu. Nhờ sự tháo vát và tài vun vén, đàn con của cụ Hảo hiếm khi bị đói hay phải ăn gạo mốc.
Với chị Huế, mẹ là người đàn bà chung thủy và thương người, còn bố hiền lành, tốt tính nhưng hay giận lâu. Cụ Theo nặng tai, đôi lúc nghe không rành thành ra hiểu nhầm vợ. Hai cụ chưa từng cãi nhau tay đôi trước mặt con cái mà chỉ "chiến tranh thầm lặng". Mỗi khi vợ chồng bất hòa, cụ ông dỗi, không nói chuyện với vợ hàng tuần. Hay giận là thế nhưng hễ cụ Hảo xuống Hà Nội chơi với con cháu 1-2 ngày, cụ ông đã sốt ruột gọi điện bảo về.
Hiện, vợ chồng cụ sống an nhàn trong căn nhà khang trang do con cháu xây ở Tuyên Quang. Hai cụ cũng trồng ít rau, nuôi đàn gà làm thú vui tuổi già. Có thời gian, chị Huế đều tranh thủ về thăm bố mẹ. Lo lắng họ ở nhà một mình, chị Huế ngỏ ý đón hai cụ xuống Hà Nội phụng dưỡng hay thuê người giúp việc nhưng các cụ muốn tự chăm nhau và không phiền tới con cháu.
Theo Hà Phương (Ngoisao.net)