Bệnh bướu cổ thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ảnh: TT. |
Bác sĩ Trần Thanh Vỹ, Khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bướu giáp nhân (bướu cổ) là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Bệnh hiện được phát hiện nhiều do người dân ngày càng có ý thức tầm soát bướu giáp bằng siêu âm vùng cổ. Các bác sĩ Phòng khám Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM ghi nhận trong 9 tháng đầu năm hơn 4.000 người đến khám bướu cổ, tăng 14% so với cùng kỳ 2015.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình hằng năm cả nước có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực miền núi phía Bắc rất cao, chiếm từ 30 đến 40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%. Bệnh nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 20 đến 30%. Tỷ lệ này ở vùng đồng bằng phía Bắc thấp hơn, chỉ từ 6 đến 10%.
Bác sĩ Vỹ cho biết bệnh nhân bị bướu giáp nhỏ có thể không gây ra vấn đề gì về sức khỏe hoặc thẩm mỹ. Bướu lớn có thể gây cảm giác khó thở, khó nuốt, ho, khàn tiếng. Bệnh nhân cũng có thể bị nhiều rối loạn như mệt mỏi và tăng cân (do suy giáp) hoặc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim (cường giáp).
Bướu giáp nhân được phân loại thành lành tính và ác tính, trong đó ca lành tính chiếm đa số. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dẫn ung thư giáp, thường gặp ở nhóm bệnh nhân trẻ dưới 20 tuổi hoặc người lớn hơn 45 tuổi. Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch. Tùy vào giai đoạn, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung điều trị sau phẫu thuật.
Trường hợp bướu giáp lành tính có thể điều trị nhẹ nhàng bằng sóng cao tần (RFA) tạo hiệu ứng nhiệt đốt tế bào u. Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp này từ năm 2002. Đến nay nhiều nước trên thế giới cũng đã ứng dụng RFA thay thế hơn 50% các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật hở hoặc nội soi.
Theo bác sĩ Vỹ, RFA giúp điều trị bệnh triệt để hơn, không để lại biến chứng nặng, không ảnh hưởng lên mô giáp bình thường nên vẫn bảo toàn chức năng tuyến giáp. Người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện sau từ một đến hai giờ. Nhờ đó giảm chi phí nằm viện, tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo...
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM một năm qua đã điều trị thành công cho hơn 50 bệnh nhân bị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần. Khối bướu có đường kính dưới 3 cm thường chỉ điều trị một lần duy nhất. Các khối bướu to hơn 3 cm sẽ phải đốt từ 2 đến 3 lần. Sau điều trị, kích thước khối bướu sẽ giảm dần theo cơ chế thực bào tự nhiên của cơ thể.
Một trong số những bệnh nhân đầu tiên được điều trị thành công bướu giáp nhân bằng sóng cao tần là chị Hương, 35 tuổi, giáo viên dạy cấp 3 tại tỉnh Tiền Giang. Cô giáo cho biết phát hiện có khối bướu giáp nhân ở thùy bên phải cách đây 5 năm. Qua thời gian kích thước bướu ngày càng to gây mất thẩm mỹ, khó nuốt. Vì sợ phẫu thuật nên bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn điều trị bằng sóng cao tần. Sau hơn một tháng, kết quả tái khám cho thấy khối u đã giảm được 60% so với kích thước ban đầu. Bác sĩ cho biết phần bướu còn lại đã bị hoại tử và sẽ tiêu biến dần dần sau vài tháng tới.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)