Chữa bệnh bằng... dòi

18/04/2016 08:26:01

Dòi đang chuẩn bị quay lại thế giới y học, sau khi các nhà nghiên cứu Mỹ và New Zealand khai thác năng lực bí ẩn ở dòi biến đổi gien giúp chữa lành các vết thương.

Dòi đang chuẩn bị quay lại thế giới y học, sau khi các nhà nghiên cứu Mỹ và New Zealand khai thác năng lực bí ẩn ở dòi biến đổi gien giúp chữa lành các vết thương.
Nghe thật kỳ lạ, nhưng có thể dòi sẽ giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường - Ảnh: Shutterstock

Y học hiện đại có lẽ nên học hỏi những phương pháp trị liệu của cha ông nếu muốn chữa lành các vết thương không chịu khép miệng. Theo trang tin Tech Times, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Bắc Carolina (Mỹ) và Đại học Massey (New Zealand) đã phát hiện dòi biến đổi gien (GM) có thể làm sạch các vết thương mở và kích thích sự tăng trưởng của tế bào. Để làm được điều này, dòi đã tiết ra chất được chèn thêm tác nhân tăng trưởng ở người, trong khi loại bỏ các tế bào chết.

Dòi được sử dụng trong cuộc nghiên cứu là ấu trùng ruồi nhặng xanh đã được biến đổi gien, có tên khoa học là Lucilia sericata. Trong một phương pháp điều trị được gọi là “liệu pháp tẩy tế bào chết bằng dòi”, viết tắt MDT, ấu trùng vô sinh được nuôi trong phòng thí nghiệm và đặt lên vết thương. Dạng điều trị này tập trung vào các vết thương không khép miệng, cụ thể là các vết loét ở chân của người bị tiểu đường, và kết quả đánh giá cao hiệu quả về mặt chi phí nếu dùng dòi chữa bệnh. Theo các chuyên gia Mỹ, phương pháp trên đã được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) thông qua.

Những ấu trùng nhặng xanh sản sinh và tiết ra tác nhân kích thích tăng trưởng là PDGF-BB, đóng vai trò khuyến khích sự tăng trưởng và sống sót của tế bào, từ đó hỗ trợ quá trình làm lành vết thương. Các chuyên gia của Đại học bang Bắc Carolina và Đại học Massey đã thử sử dụng 2 phương pháp khác nhau để tạo ra giống ruồi sở hữu năng lực thúc đẩy tốc độ vết thương khép miệng. Đầu tiên, họ áp dụng một kỹ thuật dùng nhiệt độ để kích thích sự sản xuất của tác nhân tăng trưởng này trong dòi biến đổi gien, nhưng Giáo sư Max Scott cho hay dòi đã không tiết ra PDGF-BB như ý muốn. Tuy nhiên, đến phương pháp thứ hai, các nhà nghiên cứu đã can thiệp để ấu trùng nhặng xanh sản xuất được PDGF-BB nếu chúng hấp thu chế độ dinh dưỡng không chứa chất kháng sinh tetracycline. Điều này cũng có nghĩa là biện pháp sau có thể ứng dụng được trong trường hợp lâm sàng.

Công dụng đặc biệt của dòi đối với những trường hợp mắc bệnh tiểu đường đã mở ra viễn cảnh ứng dụng rộng rãi tại các khu vực chưa đủ điều kiện tài chính để có thể tiếp cận được những biện pháp điều trị đắt đỏ, hứa hẹn loại bỏ thủ thuật đoạn chi gây tàn tật ở bệnh nhân tiểu đường. Giáo sư Scott nhận định phát hiện mới đóng vai trò chứng minh về mặt nguyên lý cho việc thúc đẩy sự nhân giống của dòng ruồi được cải tạo gien, từ đó giúp giới bác sĩ có thêm công cụ hiệu quả về mặt chi phí khi điều trị các ca tiểu đường ở những nước đang phát triển.

Theo Tụ Yên (Thanh Niên Online)

Nổi bật