Hút thuốc lá được cho là nguyên nhân chiếm tới 70% trường hợp tử vong vì ung thư phổi ở nam giới và 20% ở nữ giới tại Nhật.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật kết luận, việc tiếp xúc gián thiếp với khói thuốc lá ở các gia đình có người hút thuốc làm “gia tăng đáng kể” con số thống kê về nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư phổi.
Nguy cơ gia tăng nói trên khá đồng nhất với con số trong các nghiên cứu quốc tế đưa ra. Một báo cáo tổng hợp về mối liên quan giữa hít khói thuốc lá gián tiếp với ung thư phổi dựa trên 9 nghiên cứu mới nhất cho thấy, nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc lá thụ động tăng tới 28%.
Các nghiên cứu nói trên được tiến hành từ năm 1984-2013 và đưa tới kết luận cho các nhà khoa học Nhật. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu người vợ không hút thuốc của nam giới hút thuốc.
Dựa trên những phát hiện mới, nhóm nghiên cứu sửa đổi việc đánh giá các rủi ro ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá thụ động từ “có khả năng” sang “chắc chắn” có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hướng dẫn làm giảm nguy cơ ung thư phổi do Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật khuyến cáo mọi người cần tránh hoàn toàn tiếp xúc với khói thuốc lá thay vì “tránh càng nhiều càng tốt”.
Theo một ước tính, hút thuốc lá được cho là nguyên nhân chiếm tới 70% trường hợp tử vong vì ung thư phổi ở nam giới và 20% ở nữ giới tại Nhật.
So với những người không hút thuốc lá, nam giới hút thuốc mắc ung thư phổi nhiều hơn 4,4 lần và nữ giới là 2,8 lần.
Vắc xin cho ung thư phổi
Các chọn lựa điều trị bệnh ung thư phổi - hiện là sát thủ hàng đầu tại Mỹ - vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu về cách điều trị bước ngoặt cho các bệnh nhân và kể cả người có nguy cơ cao (như người nghiện thuốc lá) kể cả họ chưa có dấu hiệu mắc bệnh.
Thay vì đi sau, là đã phát hiện ra ung thư, rồi điều trị bằng cách ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, các nhà nghiên cứu bắt đầu với ý tưởng biến ung thư trở thành một căn bệnh mãn tính, tiến sĩ Kelvin Lee, chủ nhiệm khoa miễn dịch Viện Nghiên cứu ung thư Roswell Park ở Buffalo, New York (Mỹ) cho biết.
Thuốc chủng ngừa, có tên CimiVax, đã được phát triển ở Cuba, nơi sẵn sàng đưa vào sử dụng. Lee nhấn mạnh, vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả.
"Vắc xin không đắt, cung cấp đơn giản. Tiêm một liều mỗi tháng, độc tính ít”, tiến sĩ Lee cho biết.
Bệnh nhân Roney bị ung thư phổi di căn tới não trong mùa hè năm 2015, hiện cô đang đáp ứng tốt với điều trị. Cô khá phấn khởi về triển vọng của vắc xin chống ung thư.
Loại vắc xin này đã được chấp thuận sử dụng ở Paraguay và Peru, dự kiến sẽ được phê duyệt sớm ở Colombia, cuối năm nay có thể bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Roswell Park ở New York.
CimaVax dùng cho bệnh nhân ung thư phổi và người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nó hướng đến yếu tố tăng trưởng của ung thư và “bỏ đói” chúng, từ đó kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.
Loại vắc xin này đã được dùng cho 5.000 bệnh nhân trên toàn thế giới. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy sự sống kéo dài hơn ở bệnh nhân được tiêm phòng so với người không chủng ngừa.
Theo Thái An (VietNamNet)