Đến khi cãi nhau với chồng, chị càng nhận ra tấm lòng của mẹ chồng (ảnh minh họa) |
Thế nhưng, lạ không có nghĩa là không có. Tâm sự của nick name N.T về người mẹ chồng thương con dâu như con đẻ trên nhóm giành riêng cho giới “bỉm sữa” gần đây là một trong những câu chuyện như vậy.
Bà mẹ trẻ có nick name N.T kể về một lần hai vợ chồng cãi nhau, chồng giận dữ đến mức đập hết bát, đĩa. Ấm ức, chị ôm con bỏ đi, định về nhà ngoại nhưng đến nửa đường lại rẽ sang nhà bạn cùng cơ quan xin… trú tạm.
Một lát sau, "cơn mưa" điện thoại từ mẹ chồng, mẹ đẻ, chị dâu, em chồng… ập đến khiến chị giật mình. Cho đến khi chồng gọi, chị vẫn im lặng, để chuông điện thoại thoải mái kêu chỉ để “cho chồng một bài học”.
Ấy vậy mà khi biết mẹ chồng dắt xe lóc cóc đi tìm, chị bủn rủn chân tay, không phải vì sợ mà vì thương. Chị kể, đó là lần đầu tiên nhìn thấy mẹ chồng khóc thút thít như một đứa trẻ, vừa khóc vừa mắng yêu: “Con hâm! Đi đâu để mẹ lo, mẹ tìm. Nó ngu, nó láo thì có mẹ bên cạnh, mẹ bênh, có gì mà phải đi”. Ôm con lẽo đẽo theo sau, ngó dáng mẹ chồng lom khom dắt chiếc xe đạp đi tìm con dâu, chị thắt lòng.
Câu chuyện mẹ chồng đi tìm con dâu gây xúc động mạnh (ảnh minh họa) |
Câu chuyện dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến nhiều người xúc động, nhất là các chị em. Bởi vốn dĩ, mỗi nàng dâu chỉ mong có thể dung hòa được với mẹ chồng chứ chẳng mấy ai dám mơ được mẹ chồng thương yêu như con ruột.
Chủ nhân của câu chuyện cảm động này là chị T.D (sinh năm 1986, quê Phú Thọ). Chị chia sẻ: “Hôm đó, nhìn mẹ khóc thương quá tôi quên cả sợ. Về đến nhà, mọi chuyện đã êm đẹp cả, không khí gia đình lại vui vẻ bình thường. Mẹ con, vợ chồng ngồi ăn cơm như chưa có chuyện gì xảy ra".
Chị T.D cho hay, chị kết hôn từ năm 2010. Trong suốt 6 năm làm dâu, chị và mẹ chồng chưa một lần xảy ra va chạm, cãi vã. “Nhiều khi thấy tôi tềnh toàng, mẹ đi du lịch còn mua quần áo cho con dâu. Ngày tôi mang bầu bụng to, mặc không vừa quần áo, mẹ đưa quần áo của mình cho tôi mặc, đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn lôi ra mặc vì nó rộng rãi thoải mái (cười). Tôi đi làm, mẹ chồng ở nhà lo chăm hai đứa trẻ nhưng ngay cả khi tôi được nghỉ, mẹ cũng chẳng khiến tôi làm gì. Tôi cứ ngồi đó mà xem mẹ chăm cháu thôi”, chị T.D chia sẻ.
Cho đến giờ, chị T.D vẫn nhớ ngày mẹ chồng, nàng dâu đưa nhau đi đẻ. Chị kể, ngày đó vì cổ tử cung yếu, bác sĩ yêu cầu chị sinh mổ. Cả đêm, hai mẹ con ngồi hành lang động viên nhau, chị nhận thấy rõ sự lo lắng trong mắt mẹ mà quên cả đau đớn.
“Lúc lên thang máy, bảo vệ không cho mẹ lên theo, mẹ liền mếu máo: “Chú cho tôi lên với, nhà tôi chỉ có hai mẹ con đi cùng nhau”, thế là họ cho lên. Sau này, mọi người kể lại, lúc đó mẹ ngồi ngoài phòng mổ chờ, sốt ruột quá cứ liên tục đến hỏi hộ lý “con tôi sao rồi?”. Lúc có người thông báo tôi bị ngất trên bàn mổ, mẹ khóc hu hu. Mấy chị y tá còn tưởng mẹ là mẹ đẻ của tôi vì thấy mẹ lo lắng cho tôi quá”, chị T.D kể.
Có được người mẹ chồng thương mình như con gái ruột, chị T.D luôn coi đó là may mắn và phúc đức của đời mình.
Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)