Cách trị cảm cúm không cần đến kháng sinh

11/05/2017 10:07:00

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị cảm cúm nhẹ, không bị bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh hoàn toàn có thể tự chữa tại nhà thông qua việc bổ sung dưỡng chất trong ăn uống hàng ngày, không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị cảm cúm nhẹ, không bị bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh hoàn toàn có thể tự chữa tại nhà thông qua việc bổ sung dưỡng chất trong ăn uống hàng ngày, không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên lạm dụng các loại kháng sinh trong việc điều trị bệnh. Ảnh minh họa

Khi nào được sử dụng kháng sinh?

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Cảm cúm là một bệnh hay gặp do virus cúm gây ra. Bệnh thường kéo dài khoảng 5-7 ngày với các triệu chứng như: Nhức đầu, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt cao hoặc có thể bị nôn, tiêu chảy…

Nếu bị cúm nhẹ, người bệnh có thể chữa trị ở nhà bằng cách uống nhiều nước, súc miệng nước muối kết hợp ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn cảm cúm, bệnh nhân ho nhiều, tức ngực, khó thở cần đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời vì rất có thể người bệnh đã bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Tình trạng này hay gặp nhiều ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người làm việc với cường độ cao. Những bội nhiễm thường gặp là nhiễm trùng hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi làm bệnh kéo dài và việc điều trị cũng phức tạp, tốn kém hơn.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trong trường hợp bệnh nhân bị cảm cúm thông thường, không bị bội nhiễm vi khuẩn thì không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Bởi lẽ, kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào đều có tác dụng phụ. Do đó, trong trường hợp cần thiết mới nên sử dụng. Nguyên tắc là chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Còn lại, không nên lạm dụng loại thuốc này, tránh gây hại đến cơ thể.

Từng chia sẻ với PV cách đây không lâu về việc sử dụng kháng sinh, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết: Có hai sai lầm phổ biến nhiều người thường mắc phải. Một là, tự ý mua kháng sinh về dùng “vô tội vạ” khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở người bệnh. Sai lầm tiếp theo là “chậm trễ” trong việc sử dụng kháng sinh. Tức là, một số người có quan niệm, dùng nhiều kháng sinh sẽ “hại người” nên thường hạn chế dùng. Tuy nhiên, chính lo lắng quá mức này khiến nhiều người thường chủ quan không dùng kháng sinh ngay cả khi bệnh đã có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn, phải sử dụng kháng sinh để ngăn chặn kịp thời. Sự chậm trễ này khiến việc điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn nhiều và gia tăng nguy cơ gặp các biến chứng nặng.

Theo BS Trung Cấp, không chỉ người bệnh, đôi khi các bác sĩ, nhất là các bác sĩ tuyến cơ sở, nhân viên các cửa hàng thuốc cũng cho bệnh nhân dùng kháng sinh “non”, nghĩa là chưa cần thiết phải dùng. Cụ thể, nhiều trường hợp người bệnh chỉ bị ho sốt do virus hoặc bị nhiễm trùng nhẹ không cần thiết phải dùng kháng sinh, để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn, tăng sức đề kháng, nhưng do áp lực từ phía người bệnh muốn cho nhanh khỏi, đề phòng có biến chứng… nên nhiều bác sĩ vẫn chỉ định cho dùng kháng sinh trong việc điều trị. Việc làm này cần phải hạn chế.

Phương pháp chữa cảm cúm đơn giản tại nhà

Các chuyên gia khuyến cáo: Khi bị cảm cúm nhẹ, không bị bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh hoàn toàn có thể tự chữa tại nhà thông qua việc bổ sung dưỡng chất trong ăn uống hàng ngày. Trong đó, việc uống nhiều nước, nhất là các loại nước trái cây giàu vitamin C sẽ góp phần rút ngắn quá trình điều trị bệnh. Hoặc bệnh nhân có thể bổ sung vitamin C thông qua các viên uống với liều dùng thường là 1g/ngày. Viên to (liều 500mg) nên uống 2 viên 1 ngày; viên nhỏ uống 10 viên 1 ngày.

Bên cạnh đó, trong Đông y cũng có nhiều bài thuốc chữa cảm cúm hữu hiệu có thể áp dụng ngay tại nhà khi có các dấu hiệu bị cảm cúm nhẹ như dùng củ tỏi. Theo nghiên cứu, tỏi có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, rất tốt trong việc điều trị cảm cúm.

Cách làm như sau: Tỏi bóc vỏ, giã nát đem thả vào một chén nước lọc với tỷ lệ: 1 phần tỏi pha với 10 phần nước. Sau đó hòa tan và chắt lấy phần nước trong. Dùng dung dịch nước tỏi loãng để nhỏ vào mũi từ 2-3 lần/ngày. Làm đều đặn mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng cảm cúm dứt hẳn (lưu ý: Không nhỏ nước ép tỏi với trẻ sơ sinh, tránh trẻ bị sặc). Có thể thay nước lọc bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý để pha với tỏi với cách làm tương tự.

Hoặc có thể dùng tỏi giã nhỏ vắt lấy nước cốt để uống. Nước cốt tỏi hơi khó uống nhưng sẽ đem lại hiệu quả diệt virus cúm cao hơn. Có thể lấy một ít nước cốt tỏi thấm vào bông để nút ngoài mũi, có tác dụng ngăn không cho virus tiếp tục tấn công cơ thể và tránh lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, lấy 100g tỏi giã nát ngâm với nửa lít rượu 60 độ, ngâm trong 2 ngày, lọc trong, mỗi tuần uống 3 lần, mỗi lần uống 20 - 30 giọt với nước lọc cũng là phương pháp đơn giản chữa cảm cúm tại nhà.

Bệnh cạnh phương pháp dùng tỏi, còn nhiều bài thuốc từ các loại thảo dược cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị cảm cúm như: Lá tía tô (tươi) 15g, hành tươi (củ, rễ, dọc) 3 củ. Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bệnh nhân ăn, ăn xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm.

Nếu cảm cúm có sốt nóng, rét, đau đầu, sổ mũi, đau nhức chân tay, dùng bài thuốc sau: Bạc hà khô 5g, cúc hoa vàng khô 10g, kinh giới khô 5g, kim ngân khô 15g. Sắc các loại thảo dược trên lấy nước uống. Uống 2 lần/ngày trước khi ăn. Duy trì uống 3 ngày liền, bệnh sẽ khỏi.

Các chuyên gia chia sẻ: Để đề phòng bệnh cảm cúm, nên tăng cường uống nhiều nước, nhất là các loại nước trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, ổi…). Bên cạnh đó, xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng chống lại virus cúm gây bệnh. Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng vài lần mỗi ngày để ngăn ngừa các loại virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, nơi tập trung đông người, đồng thời rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh.

Thực phẩm cần tránh khi bị cảm cúm

- Không nên ăn những thực phẩm cay nóng như đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, thức ăn nhanh… sẽ dẫn đến nguy cơ các triệu chứng cảm cúm trầm trọng hơn.

- Hạn chế thức ăn lạnh, đồ bảo quản trong tủ lạnh, nhất là uống nước đá…

- Khi cảm cúm kèm sốt, không nên ăn nhiều món giàu protein như trứng, cá, tôm, cua, vì ăn vào cho nhiều nhiệt lượng bất lợi với việc hạ sốt.

Theo Mai Thùy (Giadinh.net.vn)

Nổi bật