Mỗi gia đình nên có 2 loại dầu, gồm dầu cung cấp axit béo như olive dùng trộn và dầu dừa, dầu phộng để chiên xào ở nhiệt độ cao.
Ảnh minh họa |
Tùy theo kinh nghiệm và thói quen nấu ăn, các loại dầu có thể được sử dụng đặc thù với từng loại thực phẩm. Chẳng hạn, các loại thịt nên dùng với dầu lạc, giúp khử mùi hôi của thịt; dầu vừng nên sử dụng với các món có mùi tanh, chỉ dùng khi thức ăn đã nấu chín. Với các loại salad, gỏi nên dùng với dầu olive để trộn…
Trong mỗi gia đình nên có 2 loại dầu để sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Trong đó, một loại cung cấp các axít béo thiết yếu, chủ yếu là dầu hạt như dầu mè, dầu nành, dầu olive…. Chúng nên dùng để trộn với dấm, salad, cho vào thức ăn trẻ em, nấu canh, ướp thịt cá… Loại thứ hai là dầu dừa, dầu đậu phộng... dùng để chiên, xào ở nhiệt độ cao như rán chả, giò, cá, khoai tây.
Trong quá trình sử dụng, nên để dầu chỗ mát, không để nơi quá nóng, tránh ánh sáng, đậy kín chai sau mỗi lần dùng. Dầu sử dụng chiên, xào còn dư nên bỏ đi không dùng đi dùng lại nhiều lần (chỉ dùng tối đa 2 lần). Lý do, trong quá trình chịu tác động của nhiệt độ cao sinh ra chất béo thể trans và một số thành phần độc hại khác không tốt cho cơ thể. Dầu đã mở nắp chỉ nên sử dụng trong khoảng một tháng.
Với thanh thiếu niên và người trưởng thành, tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp trong khẩu phần nên là 18-20%, tỷ lệ mỡ động vật và dầu thực vật ngang nhau. Với người trung và cao tuổi, tỷ lệ dầu thực vật nên tăng lên (60-70%). Dầu ăn (loại dầu hạt) nếu đảm bảo vệ sinh thì sử dụng dưới dạng trộn salad là tốt nhất, các axít béo chưa no có nhiều mạch kép trong cấu trúc được bảo toàn nguyên vẹn.
Khi xào nấu thức ăn, để đảm bảo vừa ngon miệng, vừa giữ được chất lượng của chất béo, nên phối hợp như sau: phi một ít hành hoặc tỏi với mỡ rồi cho thực phẩm vào xào, nêm mắm muối vừa đủ, nấu chín; sau đó cho thêm 1-2 thìa dầu ăn trộn đều là xong.
(Trích từ cuốn Hỏi-Đáp Dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm, Viện Dinh dưỡng)
Theo VnExpress.net