Cách chữa mồ hôi trộm cho trẻ mẹ nào cũng nên biết

21/03/2016 09:27:54

Mồ hôi ra nhiều, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn và dấu hiệu báo bệnh... là những triệu chứng gặp nhiều nhất ở trẻ khiến nhiều mẹ phải đau đầu.

Mồ hôi ra nhiều, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn và dấu hiệu báo bệnh... là những triệu chứng gặp nhiều nhất ở trẻ khiến nhiều mẹ phải đau đầu.

Theo các chuyên gia, khi phát hiện những bất thường về hiện tượng ra mồ hôi trộm của trẻ (mồ hôi trộm bệnh lý), kèm theo một số triệu chứng khác ở trẻ như trẻ bị sốt thường xuyên, tinh thần sa sút, đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp đầu chậm liền, chậm biết bò, chậm biết đi… phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để trẻ được kiểm tra và chữa trị.

Bênh cạnh đó, một số trẻ bị đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm có thể do được đắp quá nhiều chăn, ủ quá kỹ, hoặc phòng ngủ của trẻ quá bí hơi... Trong trường hợp này, ra mồ hôi trộm không phải là một chứng bệnh, cha mẹ chỉ cần làm thông thoáng chỗ trẻ ngủ là có thể khắc phục tình trạng này.

Ảnh minh họa

Để cải thiện tình trạng này, các mẹ cần cho trẻ được tắm nắng mỗi buổi sáng trước 10h từ 10-30 phút. Lưu ý không cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát như rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam quýt. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn “nóng” như dầu mỡ, thịt bò, tôm cua, cá biển… hoặc các loại trái cây “sinh nhiệt” như mít, sầu riêng, xoài… Các thức ăn này nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi nhiều hơn.

Một số món ăn bài thuốc chữa mồ hôi trộm

Cháo cá trạch

Cá chạch 100g, gạo 50g, dầu ăn, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Cá chạch làm sạch, bỏ đầu, nội tạng, đuôi, đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt, ướp bột gia vị, xào với dầu ăn. Xương cá chạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay thành bột cho vào nước lọc xương chạch quấy đều đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho thịt chạch và gia vị vào đảo đều. Cháo sôi lại là được. Ăn một lần trong ngày lúc đói. Ăn liền 5 ngày.

Cháo trai

Nguyên liệu: Trai đồng 5 con loại vừa, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ.

Cách làm: Pha nước muối loãng ngâm trai sau một giờ vớt ra rửa sạch cho vào nồi cùng 100ml nước, đun sôi, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp bột gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ như sợi miến, gạo tẻ gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị bột ngọt, cháo sôi lại là được. Bệnh nhân ngày ăn hai lần, lúc đói, cần ăn liền trong 4-5 ngày.

Cháo cá mực

Nguyên liệu: Cá mực khô 50g, củ mài 150g, hạt ý dĩ 50g, bột gia vị vừa đủ.

Cách làm: Cá mực khô rửa sạch, thái hay xay nhỏ, hạt ý dĩ bỏ hết vỏ xay thành bột, củ mài gọt vỏ thái miếng cho vào nồi cùng 300ml nước, ninh nhừ, cho cá mực, bột ý dĩ vào quấy đều, nêm gia vị vừa đủ. Bệnh nhân ăn ngày hai lần, ăn trong 10 ngày.

Tim lợn hầm đậu đen

Nguyên liệu: Tim lợn 1 quả 250g, hạt sen 30g, đậu đen 30g, bột ngọt, gia vị.

Cách làm: tim lợn rửa sạch thái miếng vừa đủ, ướp bột gia vị, cùng hạt sen, đậu đen hầm chín cho bệnh nhân ăn cả nước lẫn cái, ngày một lần vào lúc đói, buổi chiều, ăn trong 5 ngày.

Phân biệt mồ hôi trộm do bệnh lý và sinh lý
 
Do sinh lý: Trẻ bị đổ mồ hôi trộm là vì hệ thần kinh đại não của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ đang trong thời kỳ tăng trưởng phát triển, sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn, nếu lại tăng thêm một chút hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn hằng định. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
 
Do bệnh lý: Thường xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, biểu hiện là đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết, đồng thời kèm những biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn uống kém, Xquang phổi có tổn thương lao sơ nhiễm).

>> 9 tuyệt chiêu của mẹ khéo nuôi con thông minh từ nhỏ

Theo MH (Báo Gia Đình & Xã Hội)