Bỏng lạnh có thể khiến bạn mất cảm giác, co giật, vết thương hoại tử, hôn mê, thậm chí tử vong.
Bỏng lạnh có tên gọi khoa khác là Frostbite, là chỗ da và các mô bị tổn thương do tiếp xúc với lạnh, thường xảy ra ở các bộ phận cơ thể xa trung tâm như các đầu chi, mũi, tai... Các yếu tố nguy cơ gây bỏng lạnh thường là do tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp mà lại không đủ quần áo giữ ấm hoặc quần áo ướt, gió lạnh...
Bỏng lạnh gây nguy hiểm chẳng kém các loại bỏng khác, gây phù nề dẫn đến tổn thương tế bào và vết thương bị hoại tử. Ngoài ra nếu bạn tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài, thân nhiệt bị hạ dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê thậm chí tử vong.
Cấp độ 1: Tổn thương trên bề mặt da. Phần da tiếp xúc lạnh có biểu hiện ngứa, đau. Đầu ngón tay, ngón chân có thể chuyển sang màu đỏ hoặc vàng. Khi sờ hoặc ấn mạnh ít có cảm giác.
Cấp độ 2: Bỏng lạnh sẽ làm cho da cứng lại, các mô sâu chưa bị ảnh hưởng vẫn còn mềm mại. Giai đoạn này có thể xuất hiện các bọng nước, da trở thành màu đen và cứng, tổn thương này có thể khỏi sau 1 tháng hoặc mất cảm giác nóng lạnh vùng tổn thương.
Cấp độ 3,4: Tổn thương các mô sâu bao gồm gân, cơ, mạch máu, thần kinh, các khu vực này chuyển sang màu đen và chứa đầy máu, tiến tới hoại tử, nhiều người phải tháo khớp dẫn tới cụt các chi.
Cách chữa trị khi bị bỏng lạnh:
Ngay khi cảm thấy có triệu chứng lạnh ngắt, đau buốt trên cơ thể (thường là các khớp tay chân, tai, mũi) bạn nên làm mọi cách để khiến chúng ấm lên. Cho tay vào trong nách hoặc trong quần áo ấm để tăng thêm nhiệt. Nếu quần áo của bạn bị ướt, hãy ngay lập tức cởi chúng ra vì nếu bạn tiếp tục bị nhiễm lạnh, nhiệt độ cơ thể chắc chắn không thể tăng lên. Những người tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài thân nhiệt bị hạ dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê thậm chí tử vong.
Người bị bỏng lạnh cần được đến nơi ấm áp, điều này rất quan trọng nhằm loại bỏ nguy cơ hạ thân nhiệt, từ đó kích thích cơ thể tự điều chỉnh, ủ ấm hoặc làm ấm bệnh. Ngâm tổn thương trong nước ấm 40 - 42oC. Cần lưu ý, bạn không được cho phần nhiễm lạnh tiếp xúc với lửa hay lò sưởi, vì có thể dẫn tới tổn thương nặng nề hơn.
Bạn cần chú ý đến các khu vực tê buốt, nhẹ nhàng băng kín vùng bị đau bằng bông gạc vô trùng, nhằm ngăn chặn tổn thương thêm do các tinh thể nước đá di chuyển gây tổn hại mô. Nên dùng các miếng đệm để ngăn cách các ngón tay, ngón chân để chúng không co sát vào nhau gây thêm đau đớn. Khi bạn làm ấm phần bị bỏng lạnh, bạn sẽ cảm thấy ngứa ran và có cảm giác như nghìn ngọn lửa đang cháy trong người vậy. Các khu vực tê buốt sẽ chuyển sang hồng hoặc đỏ, bạn dần dần lấy lại được cảm giác. Còn nếu phần nhiễm lạnh tiếp tục bị sưng lên kéo dài, bạn nên đến ngay bác sĩ.
Khi bạn cảm thấy quá đau nhức, có thể hỏi các bác sĩ dùng thuốc giảm đau như Acetaminophen, ibuprofen, Naproxen, nhưng tuyệt đối không được dùng Aspirin. Nhớ là dùng theo chỉ định của bác sĩ nhé. Bạn nên lưu ý không làm việc quá lâu dưới nhiệt độ thấp khi có biểu hiện nhiễm lạnh, phải ngừng làm việc ngay để chẩn đoán và điều trị sớm các tổn thương.
Miền Bắc đang ở trong những ngày cực kỳ giá buốt, để tránh bị bỏng lạnh, mọi người nên mặc quần áo ấm đầy đủ, đặc biệt giữ ấm phần mặt, tai, tay chân, không ở ngoài trời lạnh quá lâu nếu mặc đồ phong phanh. Khi gặp trời mưa phải thay ngay quần áo ướt tránh nhiễm lạnh cơ thể. Nếu bị sưng tấy, đau buốt lâu, ủ ấm không khỏi phải lập tức đến bác sĩ để tránh bệnh nặng thêm. |
Theo Chu Minh (iOne.net)