Theo Hiệp hội Sữa, trong tờ trình của Bộ Y tế có đoạn “... bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với hóa chất khác...”. Cách giải thích này không đúng với bản chất của sản phẩm, đi ngược lại với các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có tính pháp lý do chính Bộ Y tế ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo Hiệp hội Sữa, khái niệm sữa công thức này gây hoang mang cho người dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với tư cách là người của Bộ Y tế, từng tham gia soạn thảo Luật Quảng cáo, ông Quang cho rằng các thuật ngữ, khái niệm về sữa công thức không có gì phải bàn cãi. “Quy chuẩn của sữa bao gồm sữa bò, chất phụ gia và các hóa chất khác. Trong đó, chất phụ gia cũng là hóa chất, chất bảo quản cũng là hóa chất thì tạo thành sữa. Tất nhiên những hóa chất đó là loại được phép sử dụng chứ không phải hóa chất bị cấm. Ở đây chúng tôi đang so sánh giữa sữa mẹ với sữa công thức để thấy sữa mẹ có nhiều ưu điểm nổi bật. Và khuyến khích đứa trẻ trong sáu tháng đầu đời phải được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ” - ông Quang lý giải.
“Chúng ta hãy vì sức khỏe trẻ em, vì lợi ích quốc gia phát triển bền vững để có tương lai tốt đẹp. Chuyện này như chuyện rượu bia hiện nay vậy. Một năm ngành rượu bia đóng góp 16.000 tỉ đồng nhưng chúng ta phải bỏ ra 27.000 tỉ đồng để điều trị sáu bệnh ung thư liên quan đến rượu bia” - ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, mới đây, khi có đề xuất sửa Luật Quảng cáo, giảm giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng xuống còn 12 tháng, Bộ Y tế đã gửi tờ trình đến Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xin giữ nguyên quy định về cấm quảng cáo sữa như hiện nay (nghĩa là vẫn giữ giới hạn quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng). Theo tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Y tế đã nêu ra sáu lý do chủ chốt để xin giữ nguyên quy định về cấm quảng cáo sữa như hiện nay. Trong đó, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng hóa chất khác”. Trên tinh thần đó, ngày 7-9, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn trình Quốc hội xin rút đề xuất đó và giữ nguyên quy định về quảng cáo sữa như bây giờ.
Chiều tối 13-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết văn bản trên không phải là công văn phản hồi Bộ Y tế mà chỉ là ý kiến phản ánh của các hội viên. “Hiệp hội cũng không biết chuyện ngày 7-9, đề xuất giảm giới hạn quảng cáo sữa từ 24 tháng xuống còn 12 tháng đã được rút lại” - ông Quỳnh nói thêm.
Theo Hương Giang (Pháp Luật TPHCM)