Bố mẹ, bác sĩ cùng “khóc” vì... con nghiện game

16/01/2015 16:11:56

Đến khi tận mắt chứng kiến cơn điên loạn bất ngờ của hai đứa con trai sinh đôi, anh Nguyễn Văn Đ. (Nhân Chính, Hà Nội) mới hiểu những lời cảnh báo của giáo viên chủ nhiệm mà trước đó anh đã bỏ ngoài tai.

Đến khi tận mắt chứng kiến cơn điên loạn bất ngờ của hai đứa con trai sinh đôi, anh Nguyễn Văn Đ. (Nhân Chính, Hà Nội) mới hiểu những lời cảnh báo của giáo viên chủ nhiệm mà trước đó anh đã bỏ ngoài tai.

Bố mẹ chiều, con suýt chết vì game
 
Vợ chồng anh Đ. ly hôn trong hận thù. Để lôi kéo hai con trai sinh đôi về phe mình, nói xấu đối phương, cả hai ra sức chiều chuộng con hết mực. Vợ cũ anh Đ. sẵn sàng đổ bỏ cả mâm cơm nếu hai cậu con trai đã ngồi vào bàn ăn lại dở chứng đòi ăn nhà hàng. Còn anh Đ. sắm cho mỗi đứa một máy tính xách tay, mang tiếng là để học hành nhưng phục vụ chúng chơi điện tử là chính.

Biết hai con thường thức đến 2-3h sáng để “cày” game nhưng anh Đ. mặc kệ. “Miễn là chúng nó thích ở với mình hơn với mẹ” – anh Đ. từng tuyên bố. Vắng nhà suốt ngày nên anh Đ. không nhận ra thời gian gần đây hai con thường có những biểu hiện rất lạ như mỗi lần nổi giận là đập phá đồ đạc, xé quần áo, sách vở, thậm chí lắm lúc chơi đùa với nhau mà chúng lao vào đánh nhau chí mạng.


Nhận ra biểu hiện này, bà giúp việc nói với anh Đ. nhưng anh gạt đi, cho rằng bà có thành kiến với trẻ con. Còn với cô giáo chủ nhiệm của con, anh Đ. cũng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của cô. Cho đến một hôm, lúc đó gần 2h sáng, anh Đ. nghe tiếng đổ vỡ trong phòng hai con vội chạy vào thì thấy đứa cầm gậy chơi golf của bố, đứa cầm máy tính cá nhân phang nhau, mặt đỏ bừng, còn mắt thì ngây dại. Ngay sáng hôm sau anh Đ. xin nghỉ làm đưa con đi viện.

Tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, anh Đ. chứng kiến không ít trẻ có biểu hiện như con mình. Bố của T.H.H (17 tuổi) cho biết con trai ông mê chơi game từ khi học cấp 2. Thấy con cứ sểnh ra là trốn đến tiệm nét ngồi, ông bàn với vợ mua máy tính nối mạng cho con ở nhà. Từ đó, lịch hoạt động của cậu con trai chỉ có mỗi hai việc là sáng đi học, buổi chiều chơi game.

“Mấy tháng gần đây nó bỏ cơm hoặc chỉ nhai trệu trạo vài miếng rồi lại chúi đầu vào máy tính. Giáo viên tìm đến nhà thông báo nó như kẻ lơ ngơ trên lớp, cáu bẳn và sẵn sàng đấm đá bạn bè vì bất kỳ lý do gì. Vợ chồng tôi phải vất vả lắm mới đưa được nó đến đây, vì nó giãy giụa, gào thét, chỉ chờ có cơ hội là bỏ chạy…” - bố của T.H.H cho biết. Nghe chuyện, anh Đ. giật mình tự trách mang tiếng học cao, biết rộng mà đã tự tay đẩy con vào chỗ chết mà không biết.

 Cha mẹ phải  tự có cách của riêng mình và quyết tâm giúp con cai nghiện game đến cùng.
 
38 bác sĩ/6.000 lượt bệnh nhân

Theo bác sĩ, tâm thần game là “chất” gây nghiện mạnh tương đương với một số loại ma túy tổng hợp. Ở mức nhẹ thì người chơi bỏ ăn uống, học hành sa sút, nặng hơn thì cáu bẳn, hay sinh sự, còn cao hơn nữa là loạn thần. Thực tế có không ít trường hợp bị đột quỵ, chết trên bàn game vì chơi quá nhiều. Điều đáng quan tâm là hiện nay số ca bệnh liên quan tới nghiện game ngày một tăng và trẻ hóa.

Có tới 50 - 70% người chơi game có vấn đề về sức khỏe tâm thần với các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, thậm chí có biểu hiện hung hăng. Thời gian cai nghiện game có thể kéo dài từ một vài tháng đến một vài năm với sự nỗ lực của bác sĩ, bản thân bệnh nhân và gia đình.

Cai nghiện game khó là vậy nên không chỉ bố mẹ mà bác sĩ cũng đang “khóc” vì game, nhất là mới đây tại Hội nghị Tổng kết chuyên khoa đầu ngành tâm thần diễn ra ngày đầu năm 2015, bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng bác sỹ chuyên khoa tâm thần đang thiếu một cách trầm trọng. Theo bác sỹ Tình, trên thế giới có khoảng 300 loại bệnh tâm lý, tâm thần nhưng hiện Việt Nam mới quan tâm đến 10 loại bệnh tâm thần thường gặp, chiếm 20% dân số.

Cũng theo ông Tình, các bệnh rối loạn tâm thần liên quan đến vấn đề xã hội như loạn thần do nghiện ma túy, game, rượu... trầm cảm do căng thẳng, sức ép công việc, học tập... đang ngày càng gia tăng. Trong năm 2014, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận 4.000 lượt bệnh nhân nội trú và 20.000 lượt bệnh nhân ngoại trú trên địa bàn và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hiện lực lượng bác sỹ chuyên khoa tâm thần của cả nước mới đáp ứng được nửa nhu cầu thực tế. Ngay tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có 38 bác sỹ, trong khi nhu cầu đòi hỏi gấp đôi lực lượng thầy thuốc hiện có.

Theo Dương Nhi (Pháp Luật Việt Nam)

Nổi bật