Bị nhổ oan gần hết hàm răng: Lợi thì…bất lợi mà răng cũng chẳng còn

06/07/2015 14:00:43

Sự việc ông Bắc (Bình Định) đau dây thần kinh số 5 nhưng lại bị nhổ oan gần hết hàm răng là một chuyện tiếu lâm chua xót.

Sự việc ông Bắc (Bình Định) đau dây thần kinh số 5 nhưng lại bị nhổ oan gần hết hàm răng là một chuyện tiếu lâm chua xót.
Theo thông tin đã đưa, chuyện hy hữu này xảy ra tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông Đỗ Hà Bắc (49 tuổi), mỗi lần đau vùng mặt, răng tê nhức là ông lại đến phòng khám đa khoa để nhổ răng, và gần một hàm răng của ông đã… ra đi như thế.
 
Nhưng may làm sao khi vẫn còn tận 3 cái răng, ông đã đến bệnh viện khám và được các bác sĩ kịp thời phát hiện ra ông bị dây thần kinh số 5 chèn ép khiến đau ê ẩm vùng mặt chứ không phải bị đau răng. Sau hai ngày phẫu thuật thì hiện ông đã dần hồi phục sức khỏe và các cơn đau mặt và quai hàm đã chấm dứt hẳn.
 

Bác sĩ Đào Văn Nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) chỉ cho bệnh nhân Bắc vị trí tổn thương trên mạch máu não qua phim MRI. Ảnh: Bình Định Online

20 năm…29 cái răng… và giờ chắc ông chỉ còn biết húp cháo. Thiết nghĩ, không hiểu chuyện này phải quy trách nhiệm cho ai? Mọi người trách phòng khám với các bác sĩ (cứ cho là như vậy) không có chuyên môn hay do trình độ và sự nhận thức của bệnh nhân?

Đầu tiên phải kể đến hai chi tiết là mấu chốt vấn đề:

Một là, ông Bắc thiếu thông tin, không tìm hiểu trước về bệnh tình của mình, và chính ông là người tìm đến phòng khám nha khoa. Ông nói đau răng thì họ tất nhiên phải kiểm tra và nhổ răng cho ông rồi. Ông bảo đau răng chẳng nhẽ họ lại khám… bụng?

Thứ hai, nếu đã bị nhổ đến chục cái răng rồi mà vẫn không khỏi bệnh, tại sao ông không đến bệnh viện luôn. Chờ người ta nhổ hết nguyên cả hàm rồi mới… vỡ lẽ? 20 năm chẳng phải là ít thời gian để nghiệm ra điều này.

Cũng may khi còn 3 cái răng ông đã… "tỉnh ngộ". Chứ nếu nhổ hết sạch rồi mà ông vẫn bị đau thì không biết còn cái gì để nhổ được nữa?

Mọi người khi nghe chuyện đều cảm thấy buồn cười như chuyện hài, sau đó thì đổ hết mọi tội lỗi lên phòng khám kia. Công nhận họ cũng có lỗi. Mà lỗi không nhỏ. Lỗi ở họ dù là chuyên môn về răng hàm mặt, nhưng chẳng nhẽ đã có chứng chỉ hành nghề để mở một phòng khám, lại không có tí kiến thức cơ bản nào về các mảng khác, ví dụ như thần kinh? Có thể không sâu, nhưng cũng phải biết tất cả nguyên nhân dẫn đến những bệnh liên quan đến răng chứ.

Hoặc nếu cảm thấy khó khăn trong việc chuẩn đoán thì cũng phải tư vấn cho người bệnh đi khám ở những địa chỉ uy tín và đảm bảo hơn. Cái lợi trước mắt và vấn đề về y đức, trách nhiệm với nghề, với người bệnh của họ cần phải xem xét lại.

Nhưng dù gì cũng là chuyện đã rồi. Quan trọng là ông đã hết bệnh. Nếu phòng khám kia “đền bù thiệt hại” bằng cách trồng cho ông một bộ răng giả mới thì có lẽ chuyện này sẽ kết thúc có hậu hơn.

Vì là “một góc con người” nên tầm quan trọng của nó không nhỏ chút nào, đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra như tử vong, hôn mê sâu, sống thực vật chỉ vì những chiếc răng nhỏ bé. Bởi vậy mong những người bệnh cẩn trọng và những “từ mẫu” sẽ có trách nhiệm hơn để “lợi và răng luôn là đôi bạn thân”.
 
>> Một người đàn ông chết thảm vì... sâu răng
 
Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật