Đang cao điểm ôn luyện thi vào lớp 10 và đại học, để đủ sức khỏe và sự minh mẫn học tập, học sinh cần ăn uống đầy đủ bữa và chất, có kế hoạch học và nghỉ ngơi hợp lý.
Chị Lê Thị Huyền, mẹ cháu Hồng Anh chia sẻ: “Cháu cảm thấy mệt mỏi, nhiều khi hoa mắt và choáng váng như vừa bị va chạm mạnh vào đầu".
Cũng như nhiều bố mẹ khác có con vào mùa thi, chị Huyền rất thương con. "Làm cha mẹ thấy con vất vả, áp lực thi cử mà không thể thay con gánh vác, nhiều lúc nhìn con ôn bài ngủ gật mà chảy nước mắt vì thương. Tuy nhiên, cả gia đình đều phải cố gắng với mong muốn con được học ở môi trường tốt nhất, vì tương lai sau này của con”.
Ảnh: dailymail |
Để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho sĩ tử mùa thi, bác sĩ Lê Thị Hải ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận xét học sinh thường thức khuya để học bài, lại ăn uống không đầy đủ dẫn tới hạ đường huyết, choáng váng. Các em có khuynh hướng sử dụng cà phê, nước trà đặc... chứa caffein giúp tỉnh táo để học bài. Tuy nhiên, caffein chỉ giúp tỉnh táo, hưng phấn ban đầu, sau đó tới giai đoạn ức chế thần kinh dẫn đến mệt mỏi.
Do đó, bác sĩ Hải khuyên bên cạnh chế độ ăn hợp lý còn cần chế độ sinh hoạt, học tập khoa học mới có thể giúp học sinh có thể chất tốt và đầu óc minh mẫn. "Không phải cứ học thâu đêm suốt sáng mới có kết quả cao. Thể chất yếu sẽ sớm dẫn tới tình trạng học trước quên sau và chất lượng học tập không cao”, bác sĩ Hải giải thích.
Để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, đáp ứng nhu cầu não bộ giúp tăng cường trí nhớ và giảm stress trong mùa thi, cần lưu ý các vấn đề sau:
Đảm bảo đủ 4 nhóm chất
Phụ huynh nên chú ý cân bằng thực phẩm, đảm bảo bữa ăn của con có đủ 4 nhóm chất gồm đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, chất xơ.
- Nhóm tinh bột: Một ngày ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 bát, buổi sáng thay bằng phở, mì, bún, bánh mì.
- Nhóm chất béo: Các chất béo không no omega3 và omega6 rất tốt cho trí não có nhiều trong cá ba sa, cá thu, cá trích, các loại hạt bí đỏ, hướng dương…
- Nhóm đạm: Đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Mỗi ngày cần 200-250 g thịt cá, trứng, đậu phụ và các loại hạt.
- Nhóm chất vitamin, chất khoáng, chất xơ và chất chống oxy hóa: Nhóm này có trong các loại rau, củ, quả. Nên ăn khoảng 400-500 g một ngày.
Không bỏ bữa ăn và duy trì giờ ăn đều đặn
Bỏ bữa là điều không nên có trong quá trình ôn thi của các sĩ tử. Nếu cơ thể thiếu hụt nguồn dưỡng chất có thể dẫn tới đau dạ dày, ngất xỉu... Học bài ở thư viện hay vì lý do nào đó phải ăn trưa tại chỗ, nên dùng một món ăn hay bánh có nhiều protein hay gluxit, ít chất béo. Để có đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ và giảm sự hấp thụ các chất đường thì nên ăn một trái cam, quýt, chuối... Vào giữa và cuối buổi chiều có thể ăn nhẹ, tốt nhất là một quả chuối giàu gluxit, nhiều vitamin và chất khoáng. Để đảm bảo vệ sinh, chỉ nên ăn thực phẩm đã được nấu chín và đun sôi.
Đưa ra kế hoạch học tập và nghỉ ngơi
Lập thời gian biểu khoa học với việc xen kẽ các môn yêu thích và các môn còn cảm thấy khó khăn. Sau mỗi 45 phút học, thư giãn mắt, cổ, vai gáy và vận động toàn thân. Không nên học quá khuya và tuyệt đối tránh dùng các loại nước có chất kích thích như trà, cà phê, các loại nước được quảng cáo “tỉnh táo tức thì”.
Không nên quá lo lắng và tự tạo áp lực cho bản thân
Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ giúp cơ thể cân bằng, từ đó kích thích não bộ hoạt động hiệu quả hơn, ghi nhớ và tư duy bài học cũng tốt hơn.
Ngủ đủ giấc và tôn trọng sức khỏe bản thân
Cuối cùng, ăn uống tập luyện đầy đủ nhưng thiếu ngủ, mất ngủ cũng không thể giúp cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn. Ngủ đúng giờ, đủ giấc là liều thuốc quan trọng nhất để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Nên lắng nghe những phản ứng của cơ thể, tôn trọng và quan tâm tới sức khỏe bản thân. Muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi cũng như chất lượng học tập tốt, điều cần thiết phải duy trì một cơ thể khỏe mạnh và tỉnh táo.
Theo Ngân Thư (VnExpress.net)