Bị kiến ba khoang đốt mà chữa kiểu này thì hối hận cũng không kịp

04/11/2016 18:11:00

Theo chuyên gia, nếu không may bị kiến ba khoang đốt thì phải xử lý đúng cách mới không gây nguy hiểm.

 
Theo chuyên gia, nếu không may bị kiến ba khoang đốt thì phải xử lý đúng cách mới không gây nguy hiểm.
 
Thời gian gần đây, nhiều vùng ven đô Hà Nội bất ngờ xuất hiện tình trạng bị kiến ba khoangtấn công, đặc biệt ở các chung cư cao tầng. Các khu vực bị kiến ba khoang tấn công nhiều nhất hiện nay thuộc các vùng như: Hà Đông, Linh Đàm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… 
 
Sự xuất hiện của kiến ba khoang khiến rất nhiều người dân đứng ngồi không yên bởi đã có rất nhiều người từng bị kiến tấn công gây nên hiện tượng bỏng rát do chất độc từ kiến tiết ra. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không biết cách xử lý nên đã khiến cho vết thương trở nên nghiêm trọng và gây nguy hiểm.
 
kiến ba khoang đốt mẹ bầu
Thời gian gần đây, nhiều vùng ven đô Hà Nội bất ngờ xuất hiện tình trạng bị kiến ba khoang tấn công.
Bình thường, vết thương do kiến ba khoang tấn công ban đầu chỉ như 1 vệt xước nhỏ nhưng sau khoảng 2-6 giờ thì sẽ xuất hiện các đám, vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm, có bờ viền rõ rệt, có vệt có biến sắc màu tím hồng. Sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ (giai đoạn này rất dễ nhầm với các tổn thương như zona, thủy đậu hoặc các mụn virus khác).
 
Ngay sau khi có tổn thương, nhiều người nhầm đó là bệnh zona nên tự ý lau rửa vết thương và bôi các loại thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ. 
 
Một số người khác lại ra sức lau rửa vết thương thật sạch sẽ, kể cả trên bề mặt lẫn xung quanh vết thương. Thậm chí có người còn sử dụng một số loại thuốc "chữa bỏng" để bôi vì thấy vết thương cũng na ná vết bỏng.
 
Thực tế, những cách xử lý này đều không đúng và có thể làm cho tình trạng vết thương bị nặng, loét thêm và gây nhiễm trùng.
 
kiến ba khoang
Da bị tổn thương nặng do kiến ba khoang cắn.
BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, chất dịch từ kiến ba khoang tiếp xúc với da chúng ta sẽ gây nên những hiện tượng lở loét, bỏng rát… Mặc dù vậy, đây không phải là căn bệnh gì quá nguy hiểm.  
 
Khi bị kiến ba khoang cắn hay lỡ tay đập chết chúng, bạn cần làm như sau:
 
- Khoanh vùng vị trí bị dính nọc độc của kiến để tránh sờ, gãi, nặn.
 
- Rửa sạch vết thương càng nhanh càng tốt và lau khô. Tốt nhất bạn nên rửa với xà bông, cồn để sát trùng. Chỉ nên xoa nhẹ ở vùng vết thương và xả dưới vòi nước chứ không chà xát mạnh và rộng ra cả vùng xung quanh.
 
- Dùng bông y tế thấm nước muối sinh lý để vệ sinh xung quanh vết nọc dính (không để chạm vào vết thương).
 
- Đến bệnh viện Da liễu để được khám và điều trị.
 
Chọc thủng mụn nước do kiến ba khoang cắn mẹ bầu phải hối hận
 
Ngày 31-10, phòng khám phụ sản Hoàng Gia tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tiếp nhận một trường hợp sản phụ tên T.T.K.A (30 tuổi) đến khám thai trong tình trạng cơ thể bị xây xát, nóng rát, đồng thời xuất hiện nhiều mẫn đỏ vì bị côn trùng cắn.
 
Theo lời kể từ phía bệnh nhân, người phụ nữ sống tại tầng 16 của một chung cư ở quận Tân Phú (TP.HCM). Khoảng 1 tuần trước khi đang sinh hoạt trong nhà, sản phụ bất ngờ phát hiện vùng kheo bên trái xuất hiện nhiều bóng nước lớn, đồng thời xuất hiện tình trạng nóng, rát, liền tìm cách làm vỡ ra. Vết thương sau khi bị phá chẳng những không lành lặn, ngược lại còn lan rộng ra nhiều chỗ.
 
kiến ba khoang đốt mẹ bầu
Sản phụ mang thai gần 8 tháng nghi bị kiến ba khoang cắn. (Ảnh: BS Nguyễn Hữu Trung cung cấp)
Vài ngày sau, sản phụ lên cơn sốt, đồng thời hai chân nổi ban đỏ. Khi thấy vùng bụng tiếp tục xuất hiện những vết sần đỏ, bệnh nhân tìm đến một phòng khám chuyên khoa da liễu để kiểm tra thì được xác định các vết thương trên người là do côn trùng cắn. Dựa vào triệu chứng các vết thương, bác sĩ nhận định khả năng rất cao là do kiến ba khoang cắn.
 
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, Giám đốc phòng khám phụ sản Hoàng Gia nơi mà chị A. đến khám cho biết, đây là lần đầu tiên ông tiếp nhận trường hợp sản phụ bị côn trùng nghi là kiến ba khoang cắn. Sản phụ đã mang thai 33 tuần nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt lẫn sức khỏe. Rất may đứa bé trong bụng đã lớn nên khả năng ảnh hưởng đến thai không nhiều. Hiện tại, sản phụ được điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh cùng các loại thuốc đặc trị để bôi lên những vùng da bị tổn thương.
 
Theo BS Lâm, mẹ bầu khi bị kiến ba khoang tấn công cũng có những dấu hiệu tương tự như trên và cần làm những sơ cứu tương tự như rửa sạch vết thương, sau đó lau khô rồi đến gặp bác sĩ da liễu. “Vì mẹ bầu là đối tượng đặc biệt, việc bôi thuốc hay uống thuốc nói chung đều có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi nên cần hết sức cẩn trọng”, BS Lâm lưu ý.
 
kiến ba khoang đốt mẹ bầu
Khi bị bất cứ một bệnh ngoài da nào, mẹ bầu cũng nên đi thăm khám bác sĩ da liễu để tránh biến chứng nguy hiểm.
Riêng trong trường hợp sản phụ tự ý chữa vết cắn của kiến ba khoang bằng cách chọc thủng vết bỏng là điều tuyệt đối cấm kỵ. Khi bạn chọc thủng vết cắn của kiến ba khoang, nước sẽ chảy ra ngoài, vết bỏng bị xẹp xuống. Tuy nhiên, đây không phải là vết bỏng thông thường sau khi nước chảy ra ngoài thì vết thương sẽ khô lại sau vài hôm. Dịch tiết ra từ kiến ba khoang vốn rất độc, nhiều chuyên gia nhận định còn độc hơn 15 lần nọc độc rắn hổ mang. Do đó, xử trí bằng cách chọc thủng là hết sức sai lầm.

Cụ thể là bạn sẽ bị nhiễm trùng, lở loét không chỉ ngay tại khu vực da bị phỏng rộp. Hành động này còn tạo điều kiện cho vết thương thêm lây lan, lở loét rộng thêm. Trong nhiều trường hợp, vết thương đau nhức gây khó chịu, có thể bị giật nhẹ tại khu vực vết thương. Phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ càng nhạy cảm hơn với những vết thương ngoài da nên biến chứng tự ý chữa kiểu chọc thủng bỏng nước càng thêm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu xác định bị kiến ba khoang tấn công, mẹ bầu cũng không được tự ý chữa trị bằng các loại thuốc khác nhau theo cách thông thường. Theo chuyên gia, mẹ bầu không được tự ý sử dụng bất kỳ các loại thuốc bôi ngoài da nào mà không được sự tư vấn của bác sĩ. "Nghiêm cấm không sử dụng những loại thuốc chứa hóa chất có khả năng thấm qua da. Tuyệt đối không được bôi nhiều, bôi quá dày với hi vọng nhanh chóng khỏi bệnh. Những kiểu sử dụng thuốc chữa vết cắn của kiến ba khoang kiểu này ở mẹ bầu có thể khiến hóa chất ngấm qua vùng da đang lở loét, thấm vào máu, các mô sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi”, BS Lâm khẳng định.

 
Trong đó, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, việc tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid có thể gây dị tật thai nhi, tác dụng độc lên thai nhi, tác dụng quanh kỳ sinh… Nếu đã có thai mà không biết, lỡ dùng một số loại nguy hiểm thì trong thời gian mang thai, cần khám thai định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi kỹ.
 
Do đó, một khi xác định vết cắn là kiến ba khoang, giời leo, zona… hay bất cứ một bệnh ngoài da nào, mẹ bầu cũng nên đi thăm khám bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để nhận được những tư vấn cụ thể, chuẩn xác cho từng người ở từng giai đoạn thai kỳ, đảm bảo mẹ bé đều khỏe mạnh. 
 
Để phòng tránh kiến ba khoang tấn công, chúng ta cần đảm bảo cơ thể luôn được che chắn kỹ càng, cẩn thận, nhất là vào thời điểm giao mùa, trời chuyển sang đông. Nên đóng kín cửa để kiến không có cơ hội chui vào nhà, đặc biệt là khu vực giường ngủ. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót. Nếu kiến ba khoang xuất hiện trên cơ thể hãy bình tĩnh thổi bay chúng chứ không vội vàng dùng tay hay bất cứ vật gì đè giết chúng. "Với phụ nữ mang thai, sức đề kháng yếu hơn những người bình thường càng phải cẩn trọng hơn trước loại kiến có khả năng gây vết thương lớn này", chuyên gia khẳng định. 
Theo Tiểu Nguyễn (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật