Không dễ để có một cuộc hẹn với bác sỹ chuyên ngành cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, bởi họ luôn bận rộn. Những cuộc hẹn của tôi được lên lịch rồi kết thúc bằng việc bác sỹ không thể gặp vì có ca cấp cứu. Sau 3 lần lịch hẹn bị thay đổi, lần thứ tư, tôi cũng có được lịch hẹn chắc chắn vào sát giờ nghỉ trưa của các bác sỹ tại khoa.
Đặt đầu dò nhu mô não để theo dõi ICP liên tục ở bệnh nhân đột quỵ. Ảnh:bacsynoitru.vn. |
Nỗi ám ảnh âm thanh phát ra từ những chiếc máy đo nhịp tim, nhịp thở với dây dợ, máy móc nhì nhằng khiến tôi ngậm ngùi quay ra chờ bác sỹ đã có lịch hẹn. Cứu người gấp gáp từng phút nhưng với các bác sỹ cấp cứu, điều đọng lại không phải sự vất vả mà là sự hồi phục đôi khi là thần kỳ của người bệnh. Sau những giờ căng thẳng trong phòng cấp cứu, thạc sỹ, bác sỹ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một kỷ niệm bị bệnh nhân “mắng” của các bác sỹ tại khoa.
Bác sỹ Chính kể: “Cách đây khoảng 5 tháng, chúng tôi có điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Đình M. (63 tuổi, Quảng Ninh). Bệnh nhân có nhập viện tuyến dưới vì đau đầu dữ dội, hôn mê sâu, một ngày sau thì sốt cao. Phim CT sọ não có hình ảnh xuất huyết dưới nhện, chảy máu não thất, biến chứng giãn não thất cấp. MSCT sọ não phát hiện túi phình động mạch thông sau vỡ. Vì bệnh viện chưa có khả năng can thiệp mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài và nút túi phình vỡ bằng coils, nên các bác sỹ bệnh viện tuyến dưới đã phải gọi điện hội chẩn với y bác sỹ khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai. Một ê-kíp cấp cứu đã được điều động đi hỗ trợ gồm bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, điều dưỡng Lê Quang Trí và bệnh nhân đã được mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ngay tại chỗ. Sau mổ, ý thức bệnh nhân có cải thiện và khoảng 2 ngày sau được chuyển về bệnh viện Bạch Mai để can thiệp nút túi phình vỡ. Năm ngày sau khi đặt dẫn lưu não thất, ý thức bệnh nhân cải thiện rõ rệt hơn. Bệnh nhân nhận biết được người xung quanh và làm theo lệnh, mặc dù còn sốt cao và vẫn phải thở máy, bệnh nhân đã được rút dẫn lưu não thất”.
Tiếp đó, bác sỹ Chính chia sẻ: “Tuy nhiên, sau rút dẫn lưu não thất hai ngày, tình trạng bệnh nhân lại xấu đi, hôn mê sâu, sốt liên tục 400C, CT sọ thì phù não lan tỏa, tình trạng tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhân đã được tiến hành kiểm soát nhiệt độ (hạ sốt xuống 370C) bằng máy. Khoảng 5 ngày sau, ý thức bệnh nhân rất xấu, nhiễm trùng bệnh viện (viêm phổi) bắt đầu xuất hiện, bệnh nhân được mở khí quản... và nói thật, anh em y bác sỹ lúc này đã tiên lượng bệnh nhân có khả năng tử vong cao. Tuy nhiên, trước khi đưa ra “quyết định cuối cùng”, y bác sỹ đã chụp lại CT sọ não và thấy tình trạng giãn não thất thứ phát. Bệnh nhân được mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài lần hai. Sau mổ, ý thức có cải thiện chút ít, vài ngày sau tình trạng nhiễm trùng có cải thiện, bệnh nhân được thôi thở máy. Năm ngày sau mổ dẫn lưu não thất lần hai, bệnh nhân được rút dẫn lưu và chuyển về tuyến dưới trong tình trạng hôn mê tự thở qua ống mở khí quản, tiên lượng "đời sống thực vật”.
Nhưng bất ngờ, ít ngày sau, bệnh nhân được gia đình đưa tới khám lại để rút ống mở khí quản. “Ngay sau rút, bệnh nhân đã có thể nói được và câu đầu tiên mà bệnh nhân thốt lên là “tiên sư chúng mày”. Lúc này, mặc dù bị chửi nhưng y bác sỹ chúng tôi lại thực sự thấy ấm lòng”, bác sỹ Chính vui vẻ tâm sự.
Suýt mất mạng vì một cơn đau đầu trong cuộc họp
Bác sỹ khoa cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Bác sỹ Lương Quốc Chính. |
Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người bên trái. Bác sỹ Chính kể lại: “Khoảng 12 giờ sau đột quỵ, bệnh nhân bắt đầu được tiến hành điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase (rt-PA) qua dẫn lưu não thất với liều 1mg/lần, cách nhau 8 giờ/lần. Sau 3 lần dùng thuốc tiêu sợi huyết, máu trong não thất đã được tiêu hết, ý thức bệnh nhân cải thiện. Đến ngày điều trị thứ năm, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, rút dẫn lưu não thất và có thể ăn uống được bằng được miệng. Khoảng 1 tháng sau, khi bệnh nhân đến khám lại, thì bệnh nhân có thể đi lại gần như bình thường. Quả là một điều kỳ diệu!”.
Bác sỹ Chính bộc bạch: “Trong nghề chúng tôi vẫn tâm niệm điều mà PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai từng căn dặn: “Chúng ta là nước có nền khoa học và y tế sinh sau đẻ muộn, chỉ cần áp dụng cho phù hợp là phát triển rồi. Chúng ta học ở nước Nhật cách tận dụng tốt những kinh nghiệm mà các nước khác đã trải qua, rút ngắn thời gian mò mẫm rồi mới cải tiến sau. Quan trọng nhất là áp dụng cái gì mới nhất được phê chuẩn, mà không làm hại cho người bệnh. Cái khó của chúng ta là phải cập nhật, làm cho đúng và áp dụng cho đúng với mục đích tối thượng là cứu sống bệnh nhân”.