Sau 2 ngày nỗ lực hồi sức, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đành bất lực buông tay không thể giữ lại sự sống cho bé gái ngạt nước.
Bác sĩ Võ Thanh Vũ, Phó Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bé gái nhập viện trong tình trạng tím tái, trụy mạch, đồng tử hai bên giãn, chứng tỏ thiếu oxy não rất nặng. Các bác sĩ nỗ lực cứu sống nhưng bé vẫn không thể qua khỏi sau hai ngày chống chọi.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đa số trẻ bị ngạt nước nếu ngưng tim ngưng thở quá 4 phút sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến não. Nếu tình trạng ngưng thở quá 10 phút, nạn nhân hầu như vô phương cứu chữa, khó tránh nguy cơ tử vong. Một số trường hợp có thể giữ được mạng sống nhưng để lại di chứng nặng nề, phải sống đời sống thực vật.
"Bệnh nhi này lúc phát hiện thì không rõ đã ngưng tim ngưng thở bao lâu, sơ cứu tại nhà cũng không hiệu quả, thời gian di chuyển từ nhà đến cơ sở y tế kéo dài trên 25 phút", bác sĩ Phương chia sẻ.
Hướng dẫn sơ cứu trẻ ngạt nước, ngưng tim ngưng thở. |
"Phát hiện và sơ cấp cứu cho trẻ bằng cách nhồi tim, hà hơi thổi ngạt trong thời gian vàng 4 phút đầu là cực kỳ quan trọng vì giúp cung cấp máu và oxy lên não kịp thời", bác sĩ Phương khuyến cáo. Khi trẻ gặp nạn đuối nước, phụ huynh sơ cứu ban đầu và gọi cấp cứu 115, trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục không được gián đoạn. Rất nhiều trẻ đến viện vẫn không thể qua khỏi vì không được sơ cứu đúng cách ngay khi xảy ra tai nạn.
Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận bé 17 tháng tuổi ngưng tim ngưng thở và tử vong vì ngã chúi đầu vào xô nước ngay tại nhà. Ngạt nước do ngã chúi đầu vào xô, lu đựng nước, chậu nước, hòn non bộ... là tai nạn rất thường gặp cho trẻ nhỏ. Bác sĩ khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ cần trông trẻ cẩn thận, các vật dụng chứa nước cần có nắp đậy.
Hướng dẫn thao tác sơ cứu ép tim lồng ngực
Hướng dẫn thao tác hà hơi thổi ngạt
Theo Lê Phương (VnExpress.net)