Bé 6 tuổi bị polyp vùng kín suốt 2 năm

02/11/2016 14:35:00

Sau ca phẫu thuật nội soi 10 phút cắt các tổn thương dạng polyp âm đạo, bé Vy (6 tuổi, Bắc Giang) đã phục hồi sức khỏe.

Sau ca phẫu thuật nội soi 10 phút cắt các tổn thương dạng polyp âm đạo, bé Vy (6 tuổi, Bắc Giang) đã phục hồi sức khỏe.

Ê kíp gồm 7 bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã nội soi, cắt vết loét polyp và điều trị bảo tồn bằng thuốc cho bệnh nhi trong hơn 10 phút. Bé Vy được xuất viện ngay sau đó trong tình trạng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hoạt bát.

polyad

Các bác sĩ nội soi, cắt vết loét polyp và điều trị bảo tồn bằng thuốc trong vòng 10 phút.

Vy bị tiết dịch vùng kín từ năm lên 4 tuổi. Suốt 2 năm qua, căn bệnh này khiến sức khỏe bé giảm sút, ảnh hưởng đến việc học tập. Lúc đầu, hai vợ chồng chị Hà đưa bé đi chữa ở các thầy lang gần nhà, uống thuốc và tắm, ngâm đủ loại lá cây như chè xanh, lá trầu không nhưng không thuyên giảm.

“Chữa ở nhà không khỏi, tôi đưa con đi khắp các bệnh viện huyện, tỉnh ở Bắc Giang, rồi cả bệnh viện dưới Hà Nội nhưng cháu chỉ được chẩn đoán tình trạng tiết dịch có mùi là do vệ sinh không tốt. Có nơi kết luận do cấu tạo âm đạo của cháu dễ gây tiết dịch. Trong hai năm, Vy uống kháng sinh, dùng đủ loại thuốc bôi, rửa”, chị Hà chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu bệnh sử và biết gia đình bé Vy nghèo khó, đã chạy chữa nhiều nơi, tốn kém tiền bạc, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã miễn phí toàn bộ chi phí cho bệnh nhi.

Chẩn đoán ban đầu cho thấy, Vy bị viêm nhưng nghi ngờ có polyp âm đạo. Để xác định chính xác nguyên nhân cần soi âm đạo nhưng không thể dùng dụng cụ mỏ vịt để khám như người lớn bởi bệnh nhân còn ít tuổi. Vì thế, các bác sĩ dùng dụng cụ nội soi buồng tử cung siêu nhỏ đưa vào bên trong để xử lý khối u.

polyad

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 6 tuổi đến từ Bắc Giang.

Theo bác sĩ Hiền Lê, bệnh phụ khoa và tình trạng viêm nhiễm thường xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, nhưng cũng có thể gặp ở tuổi dậy thì hoặc nhỏ hơn. Những dấu hiệu sớm ở các bé gái thường bị bỏ qua vì nhiều người quan niệm chỉ những ai đã quan hệ tình dục mới bị viêm nhiễm phụ khoa. Ngay cả ở một số cơ sở y tế, do không có thiết bị khám chuyên dụng nhằm bảo tồn màng trinh cho bé gái nên cũng khó thực hiện thăm khám và điều trị chính xác.

Các nguyên nhân gây viêm âm đạo phổ biến ở bé gái có thể liên quan đến tình trạng viêm da dị ứng (do không giữ gìn vệ sinh vùng kín, mặc quần lót không sạch, thường xuyên để vùng kín ẩm ướt…), viêm da tiết bã, tình trạng thiểu sản nội tiết (không đủ nội tiết), do virus, giun ở đường tiêu hóa, dị vật rơi vào và mắc lại trong âm đạo, côn trùng gây tổn thương khiến vùng kín nhiễm trùng…

Do vậy, để điều trị sớm và dứt điểm bệnh, bác sĩ Lê khuyến cáo các mẹ khi thấy con mình có biểu hiện như âm đạo có mùi, ngứa ngáy, hay gãi vùng kín... nên đưa bé đi khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phụ huynh cần hướng dẫn bé vệ sinh thường xuyên mỗi khi đi tiểu, đại tiện. Dùng vòi rửa xịt từ phía trước ra sau hoặc dùng giấy vệ sinh lau theo chiều từ trước ra sau. Không để bé mặc quần áo lót quá chật hay dùng các loại nước tẩy rửa mạnh, không phù hợp. Đặc biệt, với những nơi vệ sinh kém, cha mẹ cần đưa bé đi khám định kỳ mỗi năm một lần.

Bác sĩ Hiền Lê chia sẻ, trẻ càng lớn, việc khám và tầm soát định kỳ càng quan trọng bởi nguy cơ mắc các bệnh lý lây nhiễm, bệnh phụ khoa cao hơn. Ngoài ra, ở lứa tuổi sau dậy thì, khi có quan hệ tình dục hoặc tuổi kết hôn, việc khám phụ khoa còn cho biết các bất thường về nội tiết, chức năng sinh sản và tầm soát sớm bệnh lý nguy hiểm như bệnh tình dục, ung thư phụ khoa.

Theo Bình Minh (VnExpress.net)

Nổi bật