Từ lâu, đông trùng hạ thảo được quảng cáo như một loại tiên dược quý hiếm. Tuy nhiên gần đây báo chí của Trung Quốc đã đăng các bài viết cho biết đông trùng hạ thảo không phải là thuốc quý như đồn đoán.
Khách chọn mua đông trùng hạ thảo tại một nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long |
Ở Việt Nam, thị trường loại sản phẩm này cũng rất phong phú, nhưng thật giả thế nào, công dụng sản phẩm đến đâu so với số tiền để mua không phải người dùng nào cũng biết rõ.
Từ những ngày cuối tháng 4-2016, nhiều báo đài chính thống của Trung Quốc đăng tải thông tin về sự hỗn loạn trong thị trường đông trùng hạ thảo.
Không chữa bá bệnh
Báo Kinh tế Trung Quốc cho biết đã có phát hiện hàm lượng asenic (thạch tín) trong loại “cỏ thần” này dao động từ 4,4 đến 9,9 mg/kg, trong khi quy định của Trung Quốc về hàm lượng asenic trong các sản phẩm liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người không được vượt quá 1 mg/kg.
Ngoài ra, nhiều giáo sư, chuyên gia và bác sĩ ở Trung Quốc cũng không thừa nhận đông trùng hạ thảo là một loại “thuốc trị bệnh” như đồn đoán.
Tân Hoa xã dẫn lời bác sĩ Ngô Hải Vân, trưởng khoa nội tim mạch Bệnh viện Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho rằng loại cỏ này giống nhiều thứ khác được sách đông y cổ của Trung Quốc nhìn nhận là thuốc. Chẳng hạn như mai rùa, tro bếp, thậm chí phân và nước tiểu đều được ghi nhận có công dụng làm thuốc.
Chuyên gia về dược thảo Tây Tạng ở huyện Ngọc Thụ (nơi được mệnh danh là thánh địa của đông trùng hạ thảo), ông Thanh Mai Nhiên cho biết thực chất đông trùng hạ thảo chỉ có tác dụng phát huy tính dẫn thuốc.
Còn chủ nhiệm khoa trung y thuộc Đại học Y dược Bắc Kinh Trương Quý Quần cho rằng chất axit trong đông trùng hạ thảo (cordycepic acid) mà mọi người thường lầm tưởng là công dụng dược tính của loại này kỳ thực chính là dạng chất có tính cồn hay còn gọi là rượu đường (mannitol), được dùng rộng rãi trong chế biến thực phẩm hoặc làm vị thuốc.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh trong đông trùng hạ thảo hoàn toàn không chứa chất trùng thảo (cordycepin). Nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Trung Quốc về nấm của Viện khoa học Trung Quốc, Đổng Thái Hồng, cho biết phòng thí nghiệm của họ đã thu thập nhiều loại đông trùng hạ thảo mọc ở những khu vực khác nhau trên cao nguyên Thanh Tạng. Sau đó đem về nghiên cứu nhưng họ không phát hiện chất trùng thảo trong các loại này.
“Có thể nói trong đông trùng hạ thảo cơ bản không có chứa chất trùng thảo”. Một báo cáo khác cho biết vào năm 2013, nhà nghiên cứu Vương Thành Thụ của viện nghiên cứu sinh thái thực vật Viện khoa học Thượng Hải cũng có kết luận tương tự.
“Từ điển dược nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” năm 1990 đã đưa đông trùng hạ thảo vào danh mục thảo dược dùng trong ngành đông y của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số giáo sư bác sĩ và chuyên gia về đông y Trung Quốc vẫn chưa khẳng định đông trùng hạ thảo là loại “thảo dược có khả năng trị bá bệnh”.
Thị trường đông trùng hạ thảo có rất nhiều loại và nhiều mức giá khác nhau - Ảnh: Tiến Long |
Giá mắc hơn vàng
Mỗi năm, Trung Quốc thu hoạch được 80 - 150 tấn đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên. Trong thập niên 1970, mỗi ký đông trùng hạ thảo được thu hoạch từ các vùng như Thanh Hải, Tây Tạng chỉ có giá khoảng 21 nhân dân tệ. Vào năm 1983, giá các loại đông trùng hạ thảo được cho là loại tốt khoảng 300 nhân dân tệ/kg.
Đến năm 2003, do lời đồn ăn đông trùng hạ thảo có thể tăng cường sức lực, nhất là đối với những người bị suy nhược cơ thể, thế là chỉ một thời gian ngắn đông trùng hạ thảo biến thành một loại “cỏ thần”, giá tăng hàng chục ngàn lần, lên đến 160.000 nhân dân tệ/kg. Kể từ đó, đông trùng hạ thảo chính thức gia nhập vào danh sách những loại sản phẩm “bảo vệ sức khỏe”.
Hiện nay giá của nó tăng dao động từ 200.000 nhân dân tệ (30.668 USD)/kg lên khoảng 380.000 nhân dân tệ/kg (58.670 USD/kg).
Ở Việt Nam, giá và nguồn gốc của sản phẩm này cũng loạn cào cào. Mới hỏi về đông trùng hạ thảo, chủ một cửa hàng ở góc chợ Bình Tây (Q.6. TP.HCM) hỏi chúng tôi muốn mua hay bán. Theo chị này, nhiều người đi Trung Quốc mua được vài ký thường đem ra đây bán lại cho cửa hàng.
Khi chúng tôi nói muốn mua, chị mới đưa ra hai hộp nhựa đựng đông trùng hạ thảo không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Như lời người bán giới thiệu cả hai loại đều lấy từ Trung Quốc.
Loại nuôi ở Tứ Xuyên giá 35 triệu đồng/kg, loại nguồn gốc thiên nhiên lấy từ cao nguyên Tây Tạng giá 100 triệu đồng/kg. Nhìn mắt thường, loại “thiên nhiên” thân hình to, màu đen, xù xì so với loại nuôi màu vàng ươm chỉ nhỏ bằng đầu đũa.
Gần cửa hàng này, một chủ cửa hàng khác cũng đưa hai loại đông trùng hạ thảo, giá bán loại nuôi 30 triệu đồng/kg, còn loại “thiên nhiên” giá 95 triệu/kg. Chị này khẳng định ở chợ không có loại tự nhiên lấy ở Tây Tạng, chỉ có loại mang về từ Hàn Quốc.
Tại một nhà thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), ngoài loại nguyên con, còn bày bán ít nhất năm loại sản phẩm đông trùng hạ thảo được bào chế thành dạng viên, túi nước hoặc ống nước. Các sản phẩm bào chế đều có xuất xứ từ Hàn Quốc. Tùy theo hàm lượng đông trùng hạ thảo các loại có giá bán khác nhau, dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/ sản phẩm.
Riêng sản phẩm nguyên con ở nhà thuốc này cũng có nhiều loại, như đông trùng hạ thảo nuôi trồng, đã hút dịch 29 triệu đồng/kg; loại chưa hút dịch 150 triệu đồng/kg. Còn loại đông trùng được giới thiệu là tự nhiên từ Tây Tạng giá 1 tỉ đồng/kg.
Nhìn bằng mắt thường, người mua rất khó phân biệt các mặt hàng, chỉ biết nghe theo giới thiệu của người bán.
Tại nhà thuốc NH gần đó, chủ nhà thuốc đưa ra hai loại dạng viên, hộp xuất xứ Malaysia giá 130.000 đồng/hộp, còn loại của Hàn Quốc 520.000 đồng/hộp. Chủ tiệm thuốc khuyên nên mua dạng viên này vì sản phẩm bào chế sẵn được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng. Còn dạng nguyên con, nhà thuốc cũng mua ở chợ về bán lại, không có nhãn mác, xuất xứ.
“Cả người bán thuốc nhiều khi còn không phân biệt được hàng thật giả, nói chi đến người bình thường”, chủ nhà thuốc chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nhà thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông đều có bán “thần dược” đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên theo chủ các nhà thuốc, loại “thiên nhiên” lấy từ vùng núi Tây Tạng cực hiếm, có tiền săn lùng “đỏ mắt” không ra.
Lúng túng thật giả
Hơn 1 năm nay, ông L.V.H. (ở Hà Nội) mở một trại thực nghiệm để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, trên giá thể là protein có thành phần chính là gạo nếp, gạo lứt và nguồn gen nhập từ nước ngoài.
“Theo tôi, mua đông trùng hạ thảo tươi và khô thì có cơ hội mua được hàng thật nhất, còn nếu đông trùng hạ thảo đã xay thành bột, chế biến thành dạng trà, dạng viên... rất khó xác định đó có phải thật hay không, chưa kể khó kiểm soát tình trạng tách chiết hoạt chất trước khi đem chế viên hoặc xay nhỏ” - ông H. chia sẻ.
Dạo một vòng trên Internet, đông trùng hạ thảo được rao bán khá phổ biến. Ngoài đông trùng hạ thảo Tây Tạng được quảng cáo là hàng tự nhiên, còn có đông trùng hạ thảo Nepal, Hàn Quốc và gần đây có nhiều cơ sở sản xuất tại VN công bố nghiên cứu thành công đông trùng hạ thảo dạng nấm, chế biến bằng hình thức sấy khô, xay nhỏ hoặc đem ngâm rượu, ngâm mật ong...
Tuy nhiên theo ông H., hai thành phần có giá trị nhất trong đông trùng hạ thảo là adenosine và cordycepin, nếu công đoạn nuôi cấy chỉ thu được đông trùng hạ thảo sinh khối, hàm lượng các dược chất trên sẽ thấp.
Để phân biệt, ông H. hướng dẫn loại đông trùng hạ thảo nuôi cấy loại tốt hơn sẽ có hình dạng đầu to, thân nhỏ hơn và thẳng, thân xù xì và có nhiều bào tử nấm màu đỏ bám vào thân nấm màu vàng. Loại chất lượng không bằng sẽ có màu vàng nhạt, thân trơn và đầu nấm không to.
Với đông trùng hạ thảo tự nhiên, vì giá quá cao và không có nhiều người sành sõi sản phẩm này, ông H. thừa nhận rất khó phân biệt thật giả.
Các tác dụng được quảng cáo như phòng chống ung thư của đông trùng hạ thảo là không có. Và cần phải mua hàng cho đúng vì hàng dỏm, hàng giả rất nhiều. Cũng như không nên tùy tiện sử dụng đông trùng hạ thảo, nếu có nhu cầu dùng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ. Ông PHẠM THANH KỲ (chuyên gia về dược liệu và nguyên là hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội) |
Phân biệt đông trùng hạ thảo với nhộng trùng thảo Tại sao lại gọi là đông trùng hạ thảo? TS Đinh Minh Hiệp, trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, giải thích: Vì mùa đông nó có hình dạng ấu trùng con sâu, còn mùa hạ bào tử nấm ký sinh và phát triển thành sợi nấm nhô lên mặt đất. Hiện nguyên vị đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) rất mắc tiền vì khan hiếm trong tự nhiên, chưa sản xuất quả thể nhân tạo và nhu cầu quá cao (nhưng đã sản xuất được dưới dạng sinh khối hệ sợi). Ở Trung Quốc giá của loại này là mấy trăm ngàn tệ một ký, tương đương mấy tỉ đồng một ký. Chính vì vậy, đông trùng hạ thảo còn được gọi là “vàng dẻo” của Trung Quốc. Tại VN có một sự nhầm lẫn giữa vị đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris). Trên thị trường phổ biến loại quả thể màu vàng cam chính là nấm nhộng trùng thảo. Ở nhiều nước, việc xuất nhân tạo quả thể nấm nhộng trùng thảo được dùng như loại “rau cao cấp” . Về giá trị, chưa thể khẳng định loại nào tốt hơn nhưng "dòng chính thống" đông trùng hạ thảo là Cordyceps sinensis. |