Bảo quản thức ăn đúng cách để phòng bệnh

07/05/2015 11:27:44

Ở nhiệt độ thường thức ăn chín nếu không được bảo quản tốt sẽ bị ôi thiu trong vòng 5 - 10 tiếng, nhất là vào mùa hè oi bức thì thức ăn sẽ nhanh hỏng hơn. Nếu ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, tiêu chảy thậm chí bị tử vong.

Ở nhiệt độ thường thức ăn chín nếu không được bảo quản tốt sẽ bị ôi thiu trong vòng 5 - 10 tiếng, nhất là vào mùa hè oi bức thì thức ăn sẽ nhanh hỏng hơn. Nếu ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, tiêu chảy thậm chí bị tử vong.
Vậy chế biến, bảo quản thức ăn như thế nào để phòng bệnh là vô cùng quan trọng nhất là bà con vùng sâu, vùng xa không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm.

Nấu chín kỹ và ăn ngay khi nấu chín

Thực phẩm an toàn trước hết phải là thực phẩm sạch, không ôi thiu, trầy xước, không có mùi lạ, không chứa hóa chất, nhiễm chì, chất bảo quản...  Các thực phẩm cần được đun nấu kĩ trước khi ăn để đảm bảo không bị lây bệnh qua đường tiêu hóa. Riêng các loại rau mua ở ngoài thị trường cần được ngâm, rửa nhiều lần bằng nước sạch trước khi chế biến để tránh thuốc trừ sâu, các hóa chất và các nguồn gây bệnh khác.
 

Rửa rau nhiều lần bằng nước sạch trước khi chế biến để phòng bệnh.

Khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao, vì vậy nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín. Nếu mùa đông nhiệt độ thấp, trời lạnh, các loại thực phẩm đã chế biến để bên ngoài được khoảng 2 - 3 giờ. Sau khoảng thời gian này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và làm biến chất thực phẩm. Ở nước ta, nếu không phải mùa đông thì  nhiệt độ trong ngày thường trên mức 30 độ thì việc dự trữ thức ăn trong nhiệt độ phòng quá 1 giờ đã là nguy hiểm.

Cách bảo quản thức ăn

Thông thường sau khi ăn thực phẩm còn dư thừa để bữa sau có thể ăn tiếp thì việc bảo quản tốt nhất là sử dụng tủ lạnh. Nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa  nếu không có tủ lạnh, thì có thể bảo quản thức ăn thừa bằng cách đun lại thức ăn thừa cho kỹ và để nguội, sau đó cho vào nồi nhỏ, hoặc bát tô đậy kín thức ăn và đặt vào trong một chiếc nồi, chậu to hơn chứa nước sạch. Lưu ý, để tránh nước tràn vào bát, nồi đựng thức ăn thì khoảng cách nước sạch trong nồi to cách miệng bát, nồi đựng thức ăn 10 - 15cm. Sau đó dùng vung bằng đất nung đậy kín xoong to, như vậy thức ăn sẽ lâu thiu hơn.

Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn

Thức ăn thừa hoặc nấu trước 1 - 2 giờ cần đun lại trước khi ăn, điều này để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm (bảo quản đúng cách có thể giảm bớt sự phát triển của các vi khuẩn nhưng không diệt được các sinh vật).

Trên thực tế, nhiều người cho rằng, thức ăn để từ sáng đến chiều không ôi hỏng nếu mùi vị thức ăn không thay đổi, khác thường điều này hoàn toàn sai lầm rất nhiều loại thực phẩm khi bắt đầu hỏng sẽ không có bất kỳ mùi lạ nào cũng như dáng vẻ bề ngoài của chúng không hể thay đổi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng (Sức khỏe & Đời Sống)

Nổi bật