Bàn chân là một “máy đo” đáng tin cậy cho sức khoẻ tổng thể. Từ đau bàn chân đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tê bì, bàn chân thường biểu triệu chứng của bệnh trước những bộ phận khác của cơ thể.
Bàn chân "không lông" có thể là dấu hiệu tuần hoàn kém do hậu quả của bệnh mạch máu. Bạn có thể làm gì? Mặc dù lông có thể không bao giờ mọc lại (điều này không khủng khiếp lắm!), bạn sẽ muốn gặp bác sĩ về việc cải thiện tuần hoàn máu và kiểm tra sức khoẻ của mạch máu.
Vết loét dai dẳng ở bàn chân
Nếu có một vết thương trên bàn chân không lành, bạn có nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Đường huyết tăng cao kéo dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ở bàn chân, và do đó bạn có thể không cảm thấy vết loét lòng bàn chân. Nếu không điều trị, điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là cắt cụt chi. Hãy kiểm tra giày để đảm bảo không có những chỗ thô ráp góp phần làm trầy xước da.
Bàn chân lạnh
Đối với phụ nữ, bàn chân lạnh có thể chỉ ra hoạt động kém của tuyến giáp, tuyến điều chỉnh thân nhiệt và sự trao đổi chất. Lưu thông máu không tốt là một nguyên nhân nữa ở cả nam và nữ. Giải pháp: Ngoài thuốc tuyến giáp, không có nhiều việc bạn có thể làm ngoài đi tất len dày và dép để giữ ấm.
Móng chân dày và màu vàng
Nếu một hoặc nhiều móng chân bắt đầu dày lên, thay đổi màu sắc, và bong khỏi da, có nghĩa là bạn đang bị một bệnh nấm dưới chân móng chân. Những người bị đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, và các thiếu hụt miễn dịch khác có thể dễ bị nhiễm nấm móng chân hơn những người khác. Giải pháp: Tìm bác sĩ để chăm sóc và điều trị.
Ngón chân cái sưng to
Nếu ngón chân cái đột nhiên sưng to, bạn có thể đang bị bệnh gút. Căn bệnh này thực ra là một dạng viêm khớp và do sự tích tụ một chất tự nhiên là axít uric. Tại sao lại là ngón chân cái? A xít uric thừa hình thành ở phần cơ thể có nhiệt độ thấp nhất, và đó chính là ngón chân cái.
Tê ở cả hai bàn chân
Có cảm giác "châm chích" dai dẳng ở bàn chân, hoặc thực sự mất cảm giác, có thể là một dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại vi. Bệnh thần kinh ngoại vi nghĩa là có tổn thương nào đó ở hệ thần kinh ngoại vi và có thể do nhiều nguyên nguyên, nhưng phổ biến nhất là đái tháo đường và nghiện rượu. Giải pháp: Hãy đi khám bác sĩ và giải thích các triệu chứng của bạn.
Móng chân lỗ rỗ
Một bệnh ngoài da là bệnh vẩy nến có thể biểu hiện ở móng chân. Có tới một nửa số người bị bệnh vẩy nến thấy móng chân (và móng tay) có nhiều lỗ nhỏ. Những người bị viêm khớp vẩy nến cũng có thể gặp vấn đề này. Giải pháp: Hiện tại có một số loại thuốc trên thị trường để điều trị các triệu chứng liên quan đến bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến.
Đau chói ở gót chân
Đau chói ở gót chân có thể là dấu hiệu của viêm cân bàn chân, dải mô liên kết chạy dọc theo lòng bàn chân bị viêm. Đau thường tập trung ở gót chân và tăng lên trong ngày. Giải pháp: Nếu bị đau dai dẳng, hãy đi khám bác sĩ và tránh giày cao gót.
Móng chân lõm hình thìa
Móng chân lõm hình thìa có thể là dấu hiệu thiếu máu. Thiếu máu thường biểu hiện ở các móng chân lõm hoặc có hình thìa ở phần giường móng, và phổ biến nhất ở các trường hợp vừa đến nặng. Để chắc chắn, bác sĩ có thể sẽ làm một số xét nghiệm máu.
Chuột rút
Chuột rút đột ngột, thỉnh thoảng mới xảy ra có lẽ chỉ là do mất nước hoặc tập luyện quá sức, nhưng nếu bị chuột rút mãn tính, có thể bạn đang bị thiếu canxi, kali hoặc magiê trong chế độ ăn. Nếu bị chuột rút thường xuyên, hãy thử kéo giãn bàn chân trước khi đi ngủ và ăn nhiều thực phẩm giàu canxi hơn.
Đau khớp
Các khớp ngón chân đau nhức có thể là dấu hiệu của một bệnh khớp thoái hóa làviêm khớp dạng thấp (RA). RA thường tấn công đầu tiên vào các khớp nhỏ, như khớp ở cổ tay và ngón chân, vì vậy hãy chú ý nếu bạn có cảm giác đau dai dẳng hoặc sưng tấy.
Không thể gấp chân
Không thể gấp bàn chân vào cổ chân được gọi là "bàn chân rủ". Đây có thể là kết quả của tổn thương dây thần kinh hoặc chấn thương ở cổ, lưng hoặc chân. Nếu gặp phải vấn đề này, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ, vì nó có thể đảo ngược hoặc vĩnh viễn, tùy vào nguyên nhân và cách điều trị.
Da khô
Da khô, bong vảy trên bàn chân có thể là một dấu hiệu của bệnh “bàn chân vận động viên” – hay bệnh nấm da chân. Bệnh thường xuất hiện giữa hai ngón chân đầu tiên và thường bắt đầu bằng da khô, ngứa và sau đó tiến triển thành viêm và mụn nước. Nếu nghi ngờ mình bị nấm da chân, hãy đảm bảo giữ cho bàn chân luôn sạch sẽ và khô ráo.
Ngón chân đỏ hoặc xanh tím
Ngón chân có sự biến đổi màu sắc - từ trắng, sang xanh tím, đến đỏ - có thể đang trải qua một triệu chứng của bệnh Raynaud. Màu sắc xuất hiện khi mạch máu bị co thắt. Nếu thấy hiện tượng này, hãy đến gặp bác sĩ để đảm bảo rằng không có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Theo Cẩm Tú (Dân Trí)