"Tin chứ, tôi tin ông (tu sĩ Romano Zago) nói thật, nhưng đó chỉ là quan sát của một thầy tu đầy cảm tính, đại loại giống như một người bị ung thư, uống máu rắn hổ đất mà khỏi...".
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bạn muốn nói công thức dùng lá lô hội, mật ong và rượu của ông tu sĩ Romano phải không? Một độc giả có gửi cho tôi đường link bài này, nhưng trước đó, tôi đã đọc quyển bản tiếng Anh "Cancer can be cured" (Có thể trị được ung thư) của Romano rồi. Hình như nguyên bản bằng tiếng Bồ Đào Nha
Hỏi: Ông thấy thế nào ạ? Liệu lô hội có trị được ung thư không, hay chỉ là thuốc thanh nhiệt, giải độc.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Romano Zago là tu sĩ dòng Fransis, là mấy ông mặc áo nâu ấy. Ông này người Brazil, khi coi khu xứ đạo nghèo, ông mới học được từ những người dân nghèo tận cùng này công thức lô hội trị bệnh ung thư.
Nói theo kiểu dân Brazil thì đây là "dược phòng của Chúa", còn nói nôm na thì đây là thuốc trị bá bệnh của người nghèo.
Hỏi: Trị bá bệnh? Lô hội còn trị thêm những bệnh gì nữa?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nếu nói theo kiểu mấy ông chế biến thực phẩm chức năng thì nhiều lắm, lá lô hội trị ung thư, tiểu đường, HIV, xơ gan, diệt virus, rồi thì thanh nhiệt giải độc gì gì đó như bạn nói… Tuy nhiên khoa học chỉ mới cho phép dùng lô hội làm thuốc xổ, chống táo bón mà thôi.
Đặc tính làm nhuận trường của lá hội nằm ngay trên vỏ lá. Khi vỏ lá bị trầy sẽ tươm ra chất nhựa màu vàng nâu rất đắng. Các hoạt chất chính trong chất nhựa này gọi chung là aloin.
Ở Mỹ, chất aloin (nhựa đắng) trong lô hội chưa được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép dùng làm thuốc xổ vì chưa nhận được báo cáo mức an toàn đầy đủ. Nhưng ở Châu Âu, thì được phép.
Hỏi: Thế còn lá lô hội trị được ung thư thì sao? Ông thử google mà xem, có quá nhiều thông tin về việc lô hội chữa được ung thư. Nói nhiều quá, người ta tin là thật đấy ông ạ! Viết cả một quyển sách về lá lô hội được in ở Mỹ thì nó phải có một giá trị nào đó chứ.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tu sĩ Romano viết tới 2 quyển chứ không phải một quyển đâu. Ông linh mục này rất giỏi về văn học và ngoại ngữ, tiếng Latin, tiếng Bồ, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha,…, Và đi tu nhà Chúa, dĩ nhiên ông cũng giỏi về thần học và triết học, và đã từng là giáo sư về Triết và Latin ở Ý và Jerusalem.
Nhưng khoa học không phải là thần học, triết học, ít ra thì cũng khác nhau về thực nghiệm, phương pháp luận và cách diễn đạt.
Sách "Cancer can be cured" của ông viết như kiểu… hồi ký, thuật chuyện người này khỏi, người kia không khỏi…
Hỏi: Hấp dẫn không thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Rất hấp dẫn. Tôi đọc như đọc… tiểu thuyết. Đây không phải sách khảo cứu có tính khoa học về lá lô hội trong trị bệnh, hay ít ra cũng được viết một cách bài bản (cho người ngoài ngành) với thống kê, biểu đồ… Sách dày khoảng 260 trang, có 12 chương.
Phần phụ lục có lẽ là phần đáng chú ý nhất với những người có chuyên môn, trong đó thành phần hóa, đặc tính và công dụng của lá lô hội được trình bày ngắn gọn, có tính khoa học hơn, và có thêm mục lục tham khảo để có thể tìm hiểu sâu thêm, nếu muốn.
Theo tác giả, lô hội có thể chữa nhiều loại ung thư: Ung thư gan, tiền liệt tuyến, ung thư vú, bàng quang, bao tử, ung thư phổi, não, họng, ruột già… Ung thư phổi hơi khó, phải uống lâu hơn.
Ung thư bạch huyết (lymphoma) là khó nhất. Ngoài ra, lô hội cũng chữa được các bệnh ngoài da, thấp khớp, viêm khớp…
Hỏi: Thế ông có tin những điều ông tu sĩ này nói không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tin chứ, tôi tin ông nói thật, nhưng đó chỉ là quan sát của một thầy tu đầy cảm tính. Đại loại giống như một người bị ung thư, uống máu rắn hổ đất mà khỏi, chứ không có xác nhận của giới y học.
Các phương pháp thống kê, cũng như các chuẩn mực khác của một khảo cứu khoa học hoàn toàn không có trong quyển sách này.
Rải rác đôi chỗ trong sách, ông nói đến niềm tin siêu nhiên, vào thượng đế của ông như thường thấy ở các tu sĩ, nhưng rồi ông khẳng định, niềm tin chỉ có giá trị nâng đỡ tinh thần, còn khỏi bệnh là do uống syrup lô hội đúng liều đúng cách.
Hỏi: Công thức lô hội của tu sĩ Romano thế nào?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nguyên liệu để làm syrup lô hội chỉ gồm lá lô hội, mật ong, và rượu. Thường thì những bài thuốc dân gian truyền miệng mỗi nơi mỗi kiểu, liều lượng và cách dùng mỗi nơi mỗi khác. Tu sĩ Romano thu thập và ghi chép lại trong sách, kèm hậu quả tốt hoặc xấu.
Công thức mà tác giả khuyên dùng như thế này: Lá lô hội tươi (350 g) + Mật ong (500 g) + Rượu (40 – 50 ml). Ba thứ trên được đưa vào máy xay sinh tố, xay trộn trong vài phút. Đựng vào chai, đậy kín, tránh ánh sáng, và trữ trong ngăn mát tủ lạnh.
Mỗi ngày uống 3 lần (sáng, trưa, chiều), mỗi lần một muỗng canh. Uống khi bụng đói, khoảng 30 phút trước khi ăn. Uống khoảng 10 ngày như thế, rồi tạm ngưng 7-10 ngày. Sau đó dùng thêm đợt 2, rồi đến bệnh viện kiểm tra xem bệnh có khả quan không.
Ông không yêu cầu người bệnh ngưng các phương pháp điều trị truyền thống (xạ trị, hóa trị,…) khi dùng syrup lô hội, thậm chí ông còn cho rằng, lô hội làm giảm đi các tác dụng phụ do xạ trị, hóa trị đem lại.
Hỏi: Theo ông thì công dụng của lá lô hội, mật ong và rượu trong bài thuốc này ra sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Lá lô hội được xem là chứa các hoạt chất chính. Lớp trong cùng của lá, lớp sền sệt ấy chứa nhiều loại polysaccharides có tính kích thích miễn nhiễm, được xem là có khả năng chống ung thư.
Ông Romano khuyên nên dùng lá từ cây trên dưới 5 tuổi, lá từ cây non quá, hiệu quả sẽ thấp. Hái lá vào sáng sớm, hoặc chiều tối, khi ánh nắng chưa đến hoặc đã dịu lại.
Còn mật ong theo tôi chỉ là phương tiện vận chuyển các hoạt chất trong lô hội tới khắp các bộ phận trong cơ thể.
Còn rượu được dùng để hòa tan các hoạt chất trong lô hội, cơ thể mới hấp thu được. Romano khuyên nên dùng rượu cỡ 30-40 độ. Nếu ở Việt Nam, chắc tu sĩ Romano phải khuyên thêm, không nên dùng rượu có… methanol.
Hỏi: Ông có nghĩ tu sĩ này có ý đồ gì khi phổ biến công thức lô hội không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không, tôi không nghĩ ông ấy có mục đích thương mại gì ở đây cả, kể cả dùng thuốc lô hội cho mục đích truyền giáo. Trong sách, tôi không thấy ông nói câu gì hàm ý dụ người ta tin theo Chúa của ông.
Những nguyên liệu trong công thức của ông thuộc loại dễ tìm, ai muốn, thì tự làm mà uống. Nhưng nhiều công ty thực phẩm chức năng chế ra nhiều chai thuốc lô hội, rồi lợi dụng sách của ông để quảng cáo.
Rất tiếc, ông khuyên dùng lá lô hội tươi, mới hái để làm thuốc, chứ không phải mua mấy chai thuốc chức năng.
Lá lô hội mà tu sĩ Romano dùng là loại lô hội arborescens. Còn ở Việt Nam mình phổ biến là lô hội Vera. Theo ông Romano thì loại Vera xài cũng được.
Hỏi: Ở Đà lạt ông có trồng lô hội không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có, tôi trồng vài chậu chơi cho biết, nhưng chắc chắn tôi không hy vọng mình phải… xài đến. Vậy mà cũng có người ngắt... trộm vài lá.
Hỏi: Chắc người ta ngắt trộm để trị bệnh, ông cũng không nên quá phiền.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Trị bệnh thì 1 - 2 lá đâu đủ. Họ cần lô hội để trị bệnh thì tôi tặng nguyên chậu, tặng hết cũng được. Nhưng ngắt 1 - 2 lá thì tôi nghi mấy bà đi ngang tiện tay, ngắt chơi về làm đẹp (cười).
Chất sền sệt trong lá lô hội nghe nói làm da mịn màng, trắng đẹp ra đấy. Tôi chỉ nghe nói thôi, chứ không có bằng chứng về công dụng này.
Hỏi: Sau cùng thì ông có tin rằng lô hội, hay công thức của tu sĩ Romano có thể trị được ung thư không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoa học không phủ nhận đặc tính trị bệnh của lá lô hội. Khả năng chống ung thư, hay ức chế, ngăn chặn các mô tăng sinh bất thường nhờ vào các hoạt chất nằm ở chất nhầy sệt (gel) và chất nhựa (latex) của lá lô hội. Nhưng lá lô hội trị được ung thư lại là chuyện khác, xa vời lắm.
Rất tiếc, tu sĩ Romano không cho biết bao nhiêu phần trăm khỏi bệnh do uống syrup lô hội, nên hiệu quả vẫn chỉ là hư hư thực thực.
Quan trọng hơn, khảo cứu của ông đầy cảm tính, không thuyết phục về mặt khoa học. Trong thâm tâm, tôi xem syrup lô hội của tu sĩ Romano Zago có tính hỗ trợ điều trị, chứ không có khả năng trị được ung thư.
Theo Bích Hiền (Trí Thức Trẻ)