Đỉa khô. Ảnh: ML. |
Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam, đỉa khô còn gọi là "thủy điệt" hay "mã hoàng", có vị mặn, đắng, tính hàn, có độc. Đỉa là bài thuốc có tác dụng phá hòn cục, tiêu tích, phong nở, trị bế kinh, trị các bệnh của phụ nữ như huyết ứ, không lưu thông do sang chấn tổn thương gây đau nhức.
Cũng theo thầy thuốc Hướng, để làm thuốc, bắt các con đỉa to, khỏe, ngâm vào nước vôi loãng hoặc với rượu cho chết rồi vớt ra rửa sạch, mổ bụng, lộn toàn bộ ruột ra phía ngoài. Sau đó rửa tiếp bằng nước muối loãng nhiều lần, đun cho chín, thái từng khúc rồi phơi sấy khô. Bảo quản trong các lọ thủy tinh sạch ở nơi khô ráo thoáng mát, thời gian sử dụng khoảng 6 tháng.
Cùng quan điểm, lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đỉa khô không có giá trị dinh dưỡng nào cả, song là một vị thuốc chữa bệnh trong Đông y. Quanh miệng con đỉa có tuyến nước bọt tiết ra chất hirudin tác dụng làm cho máu không đông. Người ta dùng đỉa làm nguyên liệu chiết men hirudin dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu hay đông tắc, tụ máu nội tạng, tụ máu vết thương...
Từ xưa, Đông y đã biết đỉa là một vị thuốc có tính độc nên chỉ sử dụng với liều lượng nhỏ. Mỗi ngày người bệnh chỉ nên dùng 2-4 g đỉa khô, kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy... Những người ứ trệ huyết không phải thực trứng thì cấm dùng. Người bệnh nên thăm khám thầy thuốc để được hướng dẫn sử dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với bệnh và thể trạng.
Ông Hướng nhấn mạnh, đây là vị thuốc không độc nhưng nguy hiểm. Người dân kể cả những thầy thuốc không có kiến thức sâu về đông y thì tuyệt đối không nên dùng.