Phương pháp chữa ho, chữa dứt điểm sổ mũi không cần dùng tới kháng sinh bằng ngải cứu và cao dán đang được các mẹ lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Vậy tác dụng của nó như nào?
Theo facebook cá nhân T.V.A, con chị ngủ điều hòa có một hôm đã bị ho và sổ mũi. Để điều trị dứt điểm tình trạng này chị, T.V.A. đã dùng phương pháp "diện chẩn". Chị cho biết, chỉ sau 2 ngày dùng phương pháp này, con đã đỡ ho 80% và 3 ngày thì khỏi hẳn.
Phương pháp này được chị T.V.A hướng dẫn như sau: dùng lá ngải cứu đắp lên vùng phổi sau lưng, lòng bàn chân, cổ tay rồi dùng máy sấy hơ nóng. Nếu có điếu ngải (ngải cứu phơi, sấy, nghiền nát, được cuộn lại thành hình điếu thuốc - PV) có thể đốt và hơ cho trẻ những vùng như trên. Sau khi hơ xong sẽ dán cao salonpas vào các huyệt (cạnh mũi, hai bên tai, cổ tay, lòng bàn chân). Cao dán sẽ để suốt đêm và chỉ bỏ ra khi trẻ tỉnh giấc vào ban ngày.
Phương pháp "diện chẩn" chữa ho và sổ mũi cho trẻ nhỏ được người dùng facebook có tên T.V.A hướng dẫn. |
Tài khoản facebook này còn cho biết, từ khi áp dụng phương pháp trên con không phải dùng tới một viên thuốc kháng sinh trị ho và sổ mũi nào.
Ho, sổ mũi có thể tự khỏi không cần phải dùng thuốc
Theo PGS.TS. BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ho và sổ mũi là hai triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp và nó có thể tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị. Có những trường hợp có thể diễn biến kéo dài tới 7 ngày hoặc kéo dài hơn rồi sẽ khỏi mà không cần phải dùng thuốc. Thời gian khỏi bệnh sẽ phụ thuộc vào loại virut trẻ bị nhiễm.
Virut gây nhiễm trùng đường hô hấp có khoảng 200 loại. Mỗi một loại lại chia thành nhiều tuýp khác nhau nên có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Có trường hợp chỉ ho, sổ mũi nhẹ rồi tự khỏi. Có những loại virut khiến trẻ bị ho, sổ mũi kéo dài nhưng cũng sẽ tự khỏi không phải dùng thuốc.
Diện chẩn bằng ngải cứu và dán cao nguy hiểm như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định ho và sổ mũi không cần phải dùng thuốc điều trị. Không cần phải áp dụng những biện pháp ly kỳ không cần thiết như "diện chẩn". Đặc biệt, phương pháp chữa ho, sổ mũi này còn chưa được chứng minh có gây hại hay không. Có những phương pháp dùng gây ngộ độc cấp, triệu chứng có thể nhìn thấy được ngay. Nhưng nếu bị ngộ độc mãn tính, triệu chứng không rõ ràng, phải xét nghiệm mới thấy.
Đây là các điểm dán cao mà người lan truyền phương pháp trên hướng dẫn. |
Với phương pháp diện chẩn đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nói trên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cây ngải cứu không độc nhưng nếu nguồn thực phẩm không an toàn (trồng tại vùng đất có nhiễm kim loại nặng, có tồn dư thuốc từ sâu…) có thể nguy hiểm…
"Ngải cứu có chứa tinh dầu, tinh dầu được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi. Do mũi của trẻ rất mỏng manh hít phải tinh dầu có thể gây ngộ độc. Ngay cả việc đốt điếu ngải hơ khiến cho trẻ hít phải khói cũng làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ. Tôi khẳng định tất cả các loại khói đều có thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp của trẻ", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo thêm: "Việc tự ý dán salonpas lên nhiều bộ phận của cơ thể trẻ là cực kỳ nguy hiểm. Salonpas không phải để chữa ho và viêm mũi. Nó được dùng để giảm đau, kháng viêm liên quan đến: đau vai, đau lưng, đau cơ, mỏi cơ, bầm tím, bong gân, đau dây thần kinh, thấp khớp, đau khớp, đau đầu….
Các cháu càng nhỏ càng tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp chữa bệnh bằng cách dán qua da. Vì da của trẻ rất mỏng, không giống như người lớn nên các chất độc có thể dễ dàng hấp thu qua da đi vào cơ thể. Trong salonpas có thành phần Methyl Salicylate có thể hấp thu rất mạnh qua da ngấm vào máu gây ngộ độc cho cơ thể trẻ".
Điếu ngải cứu để hơ vùng lưng trẻ đang được các mẹ chia sẻ. Theo BS Dũng, tất cả các loại khói đều ảnh hưởng tới hệ hô hấp của trẻ. |
Salonpas được khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ trên 12 tuổi. Việc dùng cho trẻ càng nhỏ tuổi sẽ vô cùng nguy hiểm. Thành phần của salonpas còn có L-Mentho (tinh dầu bạc hà). Tại Mỹ, năm 2009 đã ghi nhận một số trường hợp trẻ bị tử vong do bôi dầu gió có tinh dầu bạc hà ở vùng mũi.
Còn Th.S, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y Việt Nam) cho hay, ngải cứu có tính ấm, vị cay, tốt cho lá lách, thận, gan, có tác dụng làm ấm và bồi bổ cơ thể, giảm lạnh và tiêu ẩm, điều hòa kinh mạch và cầm máu rất hiệu quả. Trong đông y, ngải cứu vẫn được dùng trong châm cứu nhưng hạn chế dùng cho trẻ con vì có chứa tinh dầu. Việc dán cao vào các huyệt đạo trên mặt là không nên. Cách làm này thường được người am hiểm tường tận về các huyệt đạo làm được nhưng người dân thường không nên tự tiện áp dụng, có thể nguy hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Trẻ ho, sổ mũi đừng vội đổ tội cho điều hòa
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, điều hòa rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng, giúp trẻ mát mẻ, ngủ ngon. Nhưng việc để nhiệt độ quá thấp là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ho, sổ mũi ở trẻ.
Khi sử dụng điệu hòa không nên để điều hòa thổi gió trực tiếp vào người trẻ. Không để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể gây cảm lạnh, thậm chí là sốc nhiệt do trẻ chưa thích nghi được với sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng điều hòa và bên ngoài. Ngoài ra, khi ở trong môi trường điều hòa, trẻ cần phải được bổ sung nước thường xuyên để tránh tình trạng mất nước.
Trẻ ngồi trong điều hòa liên tục hơn 8 giờ đồng hồ sẽ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, khô da, dị ứng. Vì vậy, không nên cho trẻ ở trong phòng điều hòa suốt cả ngày.
Theo N.Minh (Trí Thức Trẻ)