“Tình trạng các bệnh nhân đều nặng, dự kiến thời gian điều trị lâu dài, chi phí nằm viện có thể lên đến 200 triệu đồng. Bệnh nhân chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc có thói quen mổ lợn là đánh tiết canh ăn; người miền Nam ít ăn nên rất hiếm bệnh”, tiến sĩ Kính nói.
Tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, sán đến liên cầu lợn. Đặc biệt liên cầu lợn có thể gây bệnh trầm trọng cho người, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.
Phát biểu tại buổi họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 2/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, các bệnh sán do ăn nem chua, nem chạo, rau ngổ, cần… trong dịp Tết. Để phòng bệnh, Bộ trưởng lưu ý người dân cần ăn chín uống sôi; không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín...
Trong năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 13 người tử vong; tăng 51 ca và tăng 5 người tử vong so với năm 2014. Nguyên nhân do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện bệnh.
Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng tùy vào cơ địa.
Ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Theo Nam Phương (VnExpress.net)