Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những ảnh hưởng đến sức khỏe nếu thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Các thành phần trong thức ăn nhanh thường chứa lượng muối cao - Ảnh: T.M
Nhiều phụ huynh cho biết trẻ con nào cũng thích ăn nhanh (fastfood), một phần vì mùi vị, phần khác là vì thấy bạn ăn thì cũng thích được ăn giống như vậy. Cha mẹ cũng nhàn hơn khi cho trẻ ăn ở ngoài, thay vì nấu nướng.
Mặt khác, fastfood ra đời để phục vụ những người bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho bữa ăn.
Tuy nhiên, ở VN, nhiều người lại xem ăn fastfood là thời thượng, là trào lưu mà mình không thể đứng ngoài.
Thức ăn nhanh: ăn theo trào lưu?
Không khó để bắt gặp hình ảnh những bữa tiệc sinh nhật của trẻ nhỏ được tổ chức tại các tiệm bán thức ăn nhanh trải khắp thành phố.
Chị Khuyên Phạm (Đồng Nai) kể có lần chị đưa con đi ngang một tiệm gà rán thì bắt gặp rất nhiều trẻ có biểu hiện béo phì được cha mẹ đưa đến dự một tiệc sinh nhật ở đây. Cha mẹ vẫn vô tư để trẻ vừa ăn đồ tẩm bột chiên vừa uống nước ngọt.
“Nếu cha mẹ biết cân bằng dinh dưỡng cho con thì sẽ không có chuyện trẻ nghiện thức ăn nhanh. Nhiều phụ huynh vì lý do bận bịu, nấu ăn ở nhà mất thời gian, lười dọn dẹp… nên cứ đẩy trẻ đến quán thức ăn nhanh để mình “nghỉ khỏe”. Như vậy là hại trẻ”, chị Khuyên Phạm chia sẻ.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, bệnh viện Nhi đồng 2 bổ sung thêm rằng nhiều cha mẹ thường đưa trẻ đến các tiệm thức ăn nhanh như một phần thưởng khi trẻ đạt được điểm tốt ở trường. Điều này cũng có thể tạo tâm lý thích thú cho trẻ khi, bên cạnh phần nhìn bắt mắt và mùi vị lôi cuốn của loại thức ăn này.
Đồng tình với suy nghĩ này, chị Mai Thanh (TP.HCM) cũng cho biết ở gia đình chị không có chuyện cho trẻ ăn thức ăn nhanh mỗi tuần.
Nếu trẻ muốn ăn hambuger, pizza hay khoai tây chiên, gà rán… thì chị sẽ tự mua nguyên liệu tươi về chế biến, thay vì ăn ở cửa hàng.
“Tôi thấy có bố mẹ có suy nghĩ “sành điệu là phải cho con đi ăn đồ ăn nhanh”. Trẻ con thì đứa nào chẳng thích đến những chỗ được trang trí bắt mắt, được gặp gỡ bạn bè và ăn những đồ ăn chiên, ngọt…. Thỉnh thoảng cho trẻ đi ăn thì không vấn đề gì nhưng nếu ăn nhiều quá thì sẽ có hại cho sức khỏe lâu dài”, chị Thanh nói.
Theo chị Thanh, dù trẻ còn nhỏ nhưng chị vẫn thường trò chuyện với các con về tác hại của việc lạm dụng thức ăn nhanh để các con biết và ý thức hơn về việc lựa chọn thực phẩm cho mình.
Không chỉ với trẻ nhỏ, nhiều bạn trẻ còn lựa chọn thức ăn nhanh như một cách thể hiện sự “bắt kịp thời đại” của mình, nhất là trong thời buổi mọi thứ đều được chia sẻ trên mạng xã hội. Những bức ảnh check-in sớm nhất ở những hàng quán mới mở cũng là cách để chủ nhân facebook “khoe” mình sành điệu.
Ăn thức ăn nhanh: Thừa năng lượng nhưng thiếu chất
BS Lê Quang Hào, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết thức ăn nhanh thường có vị mặn hơn, mùi thơm hơn thức ăn thông thường nên nhiều trẻ rất thích và ăn rất nhiều.
“Chúng tôi luôn đưa ra lời khuyên là hãy ăn thức ăn chế biến trong gia đình, tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng. Thức ăn nhanh thường không có rau, trái cây và trong quá trình chế biến các vitamin có thể đã bị ảnh hưởng, chỉ còn cung cấp năng lượng mà thôi. Từ đó dẫn đến việc nhiều người ăn thức ăn nhanh thì thừa năng lượng nhưng lại thiếu chất”, BS Lê Quang Hào cảnh báo.
Cụ thể hơn, BS Trần Ngọc Lưu cho biết thường những thức ăn nhanh cung cấp năng lượng nhiều gấp 1,4-2,5 lần so với bữa ăn bình thường của trẻ ở nhà, đó là chưa kể đến lượng nước ngọt mà trẻ nạp vào khi ăn thức ăn nhanh.
BS Lê Quang Hào phân tích thêm rằng những trẻ thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh có thể bị tăng cân nhanh, béo phì, thiếu các chất vitamin D, kẽm… và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tim mạch, cao huyết áp, các vấn đề về tăng trưởng xương…
“Phần lớn những trẻ thừa cân, béo phì về sau đều có nguy cơ rất cao mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, quá trình dậy thì cũng diễn ra sớm hơn ở những trẻ thừa cân, béo phì và có thể dẫn đến những rối loạn về sau trong vấn đề sức khỏe tình dục, sinh sản….”, BS Lê Quang Hào nói thêm.
Ngoài ra, BS Trần Ngọc Lưu cho biết việc lạm dụng thức ăn nhanh, nước ngọt có thể làm gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ.
Không chỉ về mặt dinh dưỡng, theo BS Nguyễn Tất Bình, người thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh còn đối diện với nguy cơ ảnh hưởng từ những hóa chất phóng thích do quá trình đóng gói gây ra, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH George Washington (Mỹ).
Khảo sát chỉ ra rằng người sử dụng thức ăn nhanh (trong vòng 24 giờ) có nồng độ các chất chuyển hóa phthalate là di-isononyl phthalate (DINP) và di-2-ethylheylphthalate (DEHP) tăng so với người không ăn. Phthalate là hóa chất công nghiệp sử dụng trong các vật liệu bao bì, đóng gói... , có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em lẫn người lớn.
“Cai nghiện” fast food thế nào?
Theo BS Lê Quang Hào, để trẻ không nghiện thức ăn nhanh, cha mẹ phải nghiêm khắc trong vấn đề ăn uống để rèn luyện ý thức cho trẻ, không thể thấy trẻ khóc, trẻ dỗi đòi ăn… là lại chiều con cho qua chuyện.
Còn đối với trẻ đã lỡ mê thức ăn nhanh, cha mẹ cũng phải kiên nhẫn để “cai nghiện” dần cho con.
Đầu tiên là giảm tần suất ăn thức ăn nhanh trong tuần với mục tiêu không ăn quá 1 lần/tuần và giảm dần những thức ăn chiên, xào.
Bên cạnh đó, khi chọn thức ăn cho bé thì nên chọn thức ăn luộc, nướng… hơn là chiên, xào; nên chọn súp không kèm kem bơ, salad ít mỡ, nước sốt cà chua, mù tạt (thay cho nước sốt mayonnaise) và nên uống thêm nước, sữa ít chất béo thay vì các loại soda hay nước ngọt.
“Phải hạn chế tối đa số lần bé muốn ăn thức ăn nhanh trong tuần. Không nên mua cho trẻ một phần fast food để ăn ngay sau khi tan trường và chờ bữa cơm chính ở nhà”, BS Trần Ngọc Lưu chia sẻ.
Mặt khác, ở nhà, phụ huynh cũng phải chọn cho trẻ chế độ ăn hợp lý với nhiều chất xơ, rau xanh. Bố mẹ cũng có thể cùng con đi dạo, tập thể dục để trẻ đốt bớt năng lượng dư thừa.
Ngoài ra, nếu có thể hãy để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm gia đình để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn cơm ở nhà, thay vì đi đến tiệm thức ăn nhanh.
Theo Đặng Tươi - An Nhiên - Tài Phong (Tuổi Trẻ)