Những lời cay nghiệt đó được chính những người thân yêu nhất của bạn nói ra. Nhưng trước khi than trách số phận, thử ngẫm nghĩ xem, vì sao mình lại phải chịu đựng cái tiếng "ăn bám nhà chồng" đó?
Cô bạn tôi từng có những trang nhật ký đẫm nước mắt trong suốt gần 4 năm lấy chồng, sinh con đẻ cái, những dòng tâm sự ấy không thể chia sẻ cùng ai mà chỉ biết thổ lộ với riêng mình trên chiếc máy tính.
Lấy chồng khi còn quá trẻ, công ăn việc làm chưa ổn định, lại liền tù tì sinh 2 đứa con, nay ốm, mai đau, vậy là đành ở nhà quần quật trông con cho đến khi có thể gửi trẻ được mới bắt đầu sự nghiệp đi làm.
Bốn năm trời chịu bao áp lực, gièm pha với bao tủi hờn, oán hận nhà chồng, nhưng cô thừa nhận, mình đã sai lầm khi sinh nở mà không có sự chuẩn bị, đặc biệt là kế hoạch về tài chính. Vì vậy, sinh con khi trong tay không có tiền, không có nghề nghiệp, cô đã đẩy áp lực kinh tế lên vai chồng, đẩy trách nhiệm cho nhà chồng và tự rước khổ vào thân.
Trường hợp như cô bạn tôi không thiếu, nhưng chỉ có điều, người Việt vẫn duy tình hơn duy lý, nhiều mẹ cho rằng, tôi đã đẻ con cho nhà chồng, vậy thì nhà chồng đương nhiên phải lo cho cháu. Trong số vô vàn status, topic trên các diễn đàn, hay chủ đề trong các câu chuyện phiếm, đó là các mẹ trách móc nhà chồng vô trách nhiệm, thiếu quan tâm, rằng chẳng chịu trông cháu, chu cấp cho con…
Các mẹ ạ, người phương Tây họ độc lập từ sớm, bởi vậy, trước khi lập gia đình, sinh con, họ thường cân nhắc rất kỹ, vì họ biết, phụ nữ là người đầu tiên và duy nhất có quyền quyết định sinh con hay không, đồng thời là người phải chịu trách nhiệm chính và chủ yếu trong việc nuôi, dạy con.
Vì vậy, họ phải lập kế hoạch về thời gian, sức khỏe và tài chính cho việc sinh nở, nuôi nấng và các dịch vụ y tế, bảo hiểm cho con. Đừng trông mong dựa vào ai, đừng bắt ai thay mình nuôi con, thức đêm hoặc chăm sóc con khi ốm đau, cũng đừng bắt ai phải móc hầu bao ra chi trả mọi chi phí cuộc sống cho bạn và con, vì họ không nợ bạn điều gì.
Không phải mẹ Việt nào cũng nghĩ và làm được như mẹ Tây, dù các cụ ta từ lâu đã có câu cảnh báo trước: “Có con thì non việc”, đó là còn chưa kể những trường hợp các rủi ro về sức khỏe có thể xảy đến với cả mẹ và con trong suốt quá trình thai sản và nuôi con.
Không ít mẹ Việt cứ hồn nhiên mang thai, sinh nở, rồi về “ăn vạ” nhà chồng, hàng tháng ngửa tay xin tiền chợ búa, chi tiêu, tự chuốc lấy cảnh “điều ra tiếng vào” rồi ấm ức khi không được như ý muốn.
Nếu mẹ nào may mắn được chồng và gia đình nhà chồng thông cảm, chia sẻ, yêu thương và chu cấp thì hẳn cuộc sống đã bớt nhiều gánh nặng, âu lo, nhưng gặp gia đình buông lời cay nghiệt, chì chiết, nhiếc móc, tiếng chì- tiếng bấc, thì cuộc sống của người phụ nữ hẳn là ác mộng.
Cũng có một sự thật là, những người phụ nữ Việt đang phải chịu quá nhiều sức ép, từ công việc, gia đình và đặc biệt là từ phía những người thân của nhà chồng. Ai cũng tự cho mình có quyền phán xét, có quyền can dự vào cuộc sống riêng của các gia đình trẻ và ai cũng sẵn sàng buông những lời chỉ dạy. Từ bố mẹ chồng, anh chị em nhà chồng, thậm chí họ hàng thân, sơ, hàng xóm nhà chồng cũng có thể buông lời gièm pha, khích bác.
Nhưng, các mẹ nên nhớ một điều, “không ai cho phép người khác xúc phạm mình, trừ chính bản thân mình”. Hãy trang bị cho mình một nền tảng nghề nghiệp vững chắc, thu nhập ổn định, bản lĩnh vững vàng và tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi bước vào một cuộc hôn nhân và biết phản kháng đúng mức trước những lời xúc phạm bản thân.
Không ai có thể ép bạn sinh nở khi bạn chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ và làm chủ một gia đình nhỏ. Nếu không có “hậu thuẫn” vững chắc, có thể nhìn thấy được, đừng tin vào những lời nói như: “Lo gì, trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”, “Đâu sẽ vào đấy hết!”.
Hãy làm chủ cuộc sống của mình và không ngừng phấn đấu để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng cho rằng, chỉ cần làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình là đủ. Hoàn thiện bản thân để nâng cao vị thế trong mắt nhà chồng, tự lực gánh sinh với cuộc sống của chính mình là cách để phụ nữ vượt qua những lời cay nghiệt.
Theo Nguyễn Giang (Khampha.vn)