Ai dễ nhiễm MERS-CoV - loại virus nguy hiểm không kém SARS?

23/05/2015 09:44:15

Khi nhiễm virus MERS-CoV, bệnh nhân suy hô hấp nặng lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong.

Khi nhiễm virus MERS-CoV, bệnh nhân suy hô hấp nặng lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong.

PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng chia sẻ mức độ nguy hiểm và biện pháp phòng ngừa loại virus chết người này.
 

PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế


Thưa ông, thời điểm này, trên thế giới đã có hơn 400 người tử vong do virus MERS - CoV. Vậy, mức độ lây lan của virus này như thế nào? So với virus SARS khiến 800 người chết năm 2003, mức độ nguy hiểm của virus này ra sao, thưa ông?

MERS - CoV thuộc nhóm corona virus, cùng họ với virus SARS. Tuy không lây lan nhanh như SARS nhưng bệnh nguy hiểm không kém. Tác nhân gây bệnh MERS-CoV là virus thuộc nhóm coronavirus được nhận diện lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2012 tại Ả Rập Xê Út và được gọi là virus corona gây hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS - CoV).

MERS - CoV bao gồm các loại virus có khả năng gây cảm lạnh và viêm phổi tương tự virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát năm 2003 khiến hơn 800 người chết.

Virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm virus này; khoảng 50% trong số đó có biến chứng nặng và tử vong. Tuy vậy, vẫn có tới gần 30% ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên rất khó chẩn đoán, cách ly sớm. Bệnh nhân suy hô hấp nặng lại diễn tiến rất nhanh, gây suy đa phủ tạng và dễ tử vong.

Đặc biệt, virus này lây truyền từ người sang người và có thể lây lan tới nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo chính thức về số lượng người đến và đi từ các nước Trung Đông và 3 nước Đông Á. Dù vậy, số lượng người đến Việt Nam lao động, học tập và du lịch từ các nước này không nhỏ. Do đó, virus MERS - CoV có thể vào nước ta bất cứ lúc nào.

Vậy, hiện đã có vắc-xin phòng bệnh do MERS - CoV chưa?

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh do MERS - CoV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đang phối hợp với các đối tác để nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng chống bệnh do MERS - CoV.

Do chưa có thuốc điều trị và vắc-xin dự phòng MERS - CoV nên phương pháp điều trị hiện nay vẫn là điều trị như đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp và điều trị tích cực.

Khi khi nhiễm MERS - CoV, người bệnh thường có triệu chứng gì? Mức độ nguy hiểm của virus này như thế nào, thưa ông?

Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS - CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm: sốt trên 38°C, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau và kèm theo hội chứng suy thận cấp.

MERS - CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Ngoài ra, việc lây nhiễm sang cán bộ y tế đã được xác định tại một số chùm ca bệnh ở Ả Rập Xê Út, Jordan.

Gần đây Tổ chức Y tế thế giới thông tin một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS - CoV có thể là lạc đà. Thực tế, trong số các bệnh nhân được báo cáo nhiễm MERS - CoV, nhiều người có tiền sử tiếp xúc với lạc đà và uống sữa lạc đà tươi.
 

Bệnh nhân người Hàn Quốc nhiễm virus MERS-CoV đang điều trị tại bệnh viện

Theo ông, những đối tượng nào dễ nhiễm virus chết người MERS - CoV? Khi nào người dân cần đi khám để xác định có bị nhiễm MERS - CoV hay không, thưa ông?

Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS - CoV. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới; những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ nhiễm MERS - CoV cao hơn những đối tượng khác.

Theo tôi, người có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, sốt (≥38°C), ho. Người nghi ngờ bệnh viêm phế quản phổi. Người trước đó có tiền sử đi/đến vùng bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng trong vòng 14 ngày cần được đến cơ sở y tế để đánh giá và xét nghiệm.

Vậy, nhiều người buộc phải đến các nước ở bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng nơi có người nhiễm MERS - CoV thì sao, thưa ông? Người dân cần làm gì sau khi trở về từ các nước có người đang nhiễm virus chết người này?

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ hiện chưa khuyến cáo người dân không nên đến khu vực có người bị bệnh MERS - CoV. Người dân vẫn có thể đến những quốc gia có MERS – CoV nhưng cần tìm hiểu thông tin và các biện pháp phòng ngừa.

Đối với những người có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp như ho, khó thở ít nhất trong vòng 14 ngày sau khi trở về từ các nước thuộc bán đảo Ả Rập hoặc các nước láng giềng cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Những trường hợp có hội chứng viêm đường hô hấp cấp mà chưa xác định rõ nguyên nhân tại cộng đồng cũng cần được theo dõi và khám xác định chẩn đoán MERS - CoV để điều trị kịp thời.

Vậy các biện pháp dự phòng lây nhiễm MERS - CoV cho cộng đồng như thế nào, thưa ông?

Người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén... ) với người nhiễm bệnh.

Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như: đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa...

Đối với cán bộ y tế, cần phòng hộ cá nhân để bảo vệ bản thân và tránh lây nhiễm khi tiếp xúc, khám và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc MERS - CoV.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
>> Việt Nam cảnh báo khẩn cấp ngăn virus nguy hiểm hơn SARS
 
Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Nổi bật