Bảy trong số chín mẫu măng tươi ở Đà Nẵng sau khi được kiểm tra bị phát hiện là có tồn dư chất cấm Auramine O (còn gọi là chất vàng ô). Vàng ô là chất cấm sử dụng trong thực phẩm, có tác dụng giúp măng có màu vàng ngon mắt.
Ngày 1-4, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết sau khi lấy 25 mẫu măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng gửi vào Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP.HCM để kiểm tra thì phát hiện có chất cấm tồn dư trong thực phẩm.
|
Các cơ sở chế biến cần phải tôn trọng sức khỏe người dân và không nên dùng các chất độc hại để nhuộm thực phẩm. Hình minh họa |
Cụ thể, trong chín mẫu đã phân tích, các cơ quan chức năng phát hiện bảy mẫu măng tươi có tồn dư chất cấm Auramine O (còn gọi chất vàng ô).
Được biết chất vàng ô là màu tổng hợp, chỉ sử dụng trong công nghiệp nhuộm và dùng để làm màu sơn quét tường. Đây là loại chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng, việc các cơ sở thực phẩm và tiểu thương tại chợ bán măng tươi có tẩm chất vàng ô là làm cho sản phẩm đẹp nhưng lại gây ra độc hại. Ông Tứ khuyến cáo người dân cần chú ý hơn trong việc lựa chọn mua thực phẩm, đặc biệt là măng tươi có màu vàng đẹp để tránh thực phẩm bẩn, nhiễm chất gây độc hại.
Đồng thời, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng cũng cho hay để ngăn chặn kịp thời thực phẩm độc hại, tẩm nhuộm các chất nguy hiểm, khi phát hiện có thực phẩm "bẩn", người dân hãy phản ánh về địa chỉ email: [email protected]hoặc số điện thoại 0907703863 của ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng, để các ngành chức năng vào cuộc xử lý.
Auramine O (tên khoa học là Diarylmethane), còn gọi là chất vàng ô, là chất được sử dụng trong công nghiệp, dùng để nhuộm vải, giấy, hay để quét tường. Không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trong nguyên liệu thô. Vàng ô là một chất rất độc hại, đã bị tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao. Khi tiếp xúc với da, vàng ô sẽ gây ngứa và bong tróc da. Nếu tiếp xúc qua đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, qua đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy. |
Theo Lê Phi (Pháp Luật TPHCM)