Sợ sảy thai, dị tật bẩm sinh ở thai nhi, quan hệ tình dục ảnh hưởng đến em bé... là những lo lắng của hầu hết các mẹ bầu khi mang thai.
1. Sảy thai
Theo Tạp chí Women's Health, sợ sảy thai là mối lo lắng thường trực của tất thảy các mẹ bầu khi mang thai, đặc biệt là trong 10-12 tuần đầu tiên vì thai nhi mới hình thành, dễ bị tổn thương.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân đe dọa nguy cơ sảy thai, hầu hết hoàn toàn ngẫu nhiên và không thể tránh được, vì vậy, ví dụ như vị trí thai bám, cơ địa người mẹ... Tuy nhiên, để giảm thiểu sự lo lắng này, khi có thai, mẹ bầu cần tránh hút thuốc và duy trì chế độ ăn uống, luyện tập khỏe mạnh.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường trong thai kỳ như chảy máu..., bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn. Ngay cả khi bị sảy thai, nguy cơ điều đó xảy ra trong thai kỳ sau không tăng.
2. Dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Đa số các dị tật bẩm sinh ở thai nhi là không thể ngăn ngừa và điều đó đang khá phổ biến. Do đó, khi mang thai, phụ nữ thường lo lắng điều đó sẽ xảy ra với em bé của mình.
Nếu bạn sợ điều này, nên đi tiêm phòng cúm, rubella trước khi mang thai 3 tháng. Ngoài ra, cần tránh xa rượu bia, thuốc lá và một số loại thuốc (lithium và thuốc chống động kinh) để hạn chế nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho con. Bổ sung các loại vitamin tổng hợp chứa axit folic, sắt... trước và trong khi mang thai để giảm nguy cơ khiếm khuyết não và cột sống.
3. Ốm nghén ảnh hưởng đến sức khỏe của con
Không ít mẹ bầu có biểu hiện buồn nôn suốt cả ngày, ăn vào là nôn hết ra... thì sợ rằng như vậy sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Đây là điều hết sức bình thường do sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ. Ốm nghén này chỉ thực sự là vấn đề nghiêm trọng khi người mẹ bị giảm cân, mất nước dẫn đến kiệt sức, suy nhược cơ thể. Để làm giảm bớt tình trạng ốm nghén khó chịu, mẹ bầu cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ và tránh để quá đói, thời điểm dễ buồn nôn nhất. Nếu bị nôn quá nhiều, xin ý kiến bác sĩ để họ có thể kê cho bạn loại thuốc chống nôn an toàn cho bé.
4. Căng thẳng gây tổn thương đến con
Nhiều mẹ bầu nhận ra tính khí của mình trở nên thất thường, dễ cáu hơn bình thường, đặc biệt căng thẳng, mệt mỏi do công việc và sợ rằng điều đó có thể gây tổn thương cho em bé.
Thực tế, phụ nữ khi mang thai sẽ có nhiều thay đổi về cảm xúc, ví dụ như: hay cáu gắt, sợ hãi, đôi khi lại buồn chán, tuyệt vọng, tính tình thay đổi theo từng giờ, từ vui sang buồn. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy căng thẳng liên tục tác động rất nhỏ đến thai nhi.
Tuy nhiên, những căng thẳng nghiêm trọng như mất việc, trong gia đình có người mất... có thể tăng nguy cơ sinh non nếu mẹ bầu không biết cách xử lý tình hình. Hãy cố gắng nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tăng cường trò chuyện với chồng, người thân hoặc bạn bè để giúp cân bằng tâm lý.
5. Bị va vào bụng và sợ em bé đau
Thật khó để luôn đi đứng thoải mái và vững vàng khi bạn đang mang thai. Nhưng thật may là em bé trong bụng được bảo vệ rất tốt khỏi hầu hết các va đập thông thường nhờ túi ối, cơ bụng rất khoẻ và thành tử cung rất chắc chắn.
Chỉ một số ít trường hợp mẹ gặp tai nạn và có va đập mạnh ở vùng bụng thì mới có khả năng bóc tách nhau thai. Nếu bạn thấy đau bụng, chảy máu âm đạo và rò ối sau tai nạn, hãy đến bệnh viện phụ sản ngay.
6. Quan hệ tình dục có thể làm hại đến bé
Quan hệ tình dục thường là an toàn và sẽ ít khi gây ra các biến chứng như sảy thai. Các cơ khỏe mạnh của tử cung sẽ bảo vệ cho bé trong khi túi ối tạo ra một tác động đĩa đệm giảm sốc do vậy bạn sẽ không gặp bất cứ nguy cơ chấn thương nào.
Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong số những người có nguy cơ cao (nhau thai ở vị trí bất thường, có xu hướng sẩy thai, tiểu sử sinh non), hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem liệu quan hệ tình dục có an toàn trong thời gian này không. Cũng nên nói chuyện với họ nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau khi giao hợp như đau đớn, chảy máu, ra khí hư, hoặc các cơn co thắt có vẻ như tiếp diễn sau khi quan hệ.
Theo Phương Mai (Zing.vn)