Vào dịp Tết, thói quen ăn các loại hạt của người lớn trở thành mối nguy đối với trẻ em.
Bà chia sẻ câu chuyện về một bé trai 13 tháng tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội, vô tình nhặt được hạt hướng dương dưới đất, bỏ vào miệng dẫn đến bị hóc. Khi người nhà phát hiện, cháu bé đã trong tình trạng toàn thân tím tái, không thể nói, mắt trợn ngược.
Bé được người nhà đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Do đường đi gồ ghề khiến chiếc xe máy chở cháu bị xóc, may mắn, hạt hướng dương mắc ở họng tuột ra, lúc đó, cháu bé mới có thể khóc. Tại bệnh viện, cháu được kiểm tra về mức độ tổn thương và nhiễm khuẩn.
Theo PGS Thúy, đây chỉ là một trường hợp may mắn. Nhiều trường hợp gây tắc nghẽn đường thở đã dẫn đến tử vong. Những trường hợp khác được cứu sống nhưng do dị vật hóc quá lâu gây ra tình trạng thiếu oxy rất lâu dẫn đến những biến chứng tinh thần, vận động sau này.
Hạt hướng dương là thủ phạm thường gây hóc, nghẹn ở trẻ nhỏ. Ảnh: Dailymail. |
“Vào dịp Tết, thói quen ăn hạt dưa, hướng dương, hạt bí, nho khô của người lớn sẽ trở thành mối nguy đối với trẻ em. Các cháu ăn, nô đùa, thay vì vào đường tiêu hóa, những loại hạt kia lại vào đường thở, gây sặc”, PGS Thúy cho hay.
Chuyên gia này chỉ ra 4 điều cha mẹ cần nhớ để đảm bảo an toàn cho bé:
- Trẻ từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật, khi ăn uống nên ngồi một chỗ không nô đùa.
- Trong trường hợp trẻ bị hóc, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là không để dị vật rơi vào đường thở. Ngay khi phát hiện trẻ khóc, ho, tím tái, cần xử trí. Nếu trẻ không còn phản xạ để nhè dị vật ra, bố mẹ có thể bế trẻ ngược lên, đầu dốc xuống, vỗ lưng để dị vật rơi ra.
- Trường hợp hóc quá sâu, trẻ cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
- Không dùng tay móc vào họng của trẻ làm cho dị vật càng sâu, gây phù nề, nhiễm trùng.
Theo Hà Quyên (Zing.vn)