Mở đầu "Tây Du Ký", tác giả Ngô Thừa Ân viết rằng: "Muốn biết chân đế của nhân sinh, bắt buộc phải đọc Tây Du Ký!" Đáng tiếc là, những người có thể thực sự hiểu hết "Tây Du Ký" trên thực tế lại quá ít!
Có người nói rằng, một ngày nào đó khi bạn thực sự hiểu hết "Tây Du Ký", bạn cũng sẽ hiểu được chân đế của mọi khổ nạn trên đời, đồng thời cũng sẽ hiểu được chân đế của cả đời người!
Nhiều ý kiến cho rằng, "Tây Du Ký" đứng đầu trong bốn tác phẩm văn học để đời của Trung Quốc. Không chỉ có vậy, đây còn là bộ môn thành công học vĩ đại nhất thế giới!
Thoáng xem, tưởng chừng như tác phẩm chỉ đề cập đến chuyện đánh yêu quái song thực ra, từng nội dung trong đó đã cho chúng ta biết cách làm thế nào để chiến thắng phần tà tâm trong tâm hồn mỗi con người.
5 trong 1
Ngô Thừa Ân thông qua chuyện lấy kinh mà dẫn dắt chúng ta đến việc không ngừng kiểm soát nội tâm trên đường đời, chiến thắng dã tâm, dục vọng, cuối cùng lấy được chân kinh, thành công một đời.
Trong "Tây Du Ký", Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa hòa thượng, ngựa Bạch Long – 5 nhân vật này thực ra chỉ là một người mà thôi!
Tôn Ngộ Không là tâm của con người, Đường Tăng là phần thân xác của con người, Trư Bát Giới là dục vọng của con người, Sa hòa thượng là bản tính của con người và ngựa Bạch Mã là ý chí của con người.
Xoay quanh chữ "Tâm"
Tôn Ngộ Không là đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư ở Tà Nguyệt Tam Tinh Động. Viết theo chữ Hán, Tà Nguyệt Tam Tinh (trăng khuyết và ba vì sao) chính là chữ "Tâm" (心). "Tà Nguyệt" chính là một nét móc, tam tinh - ba ngôi sao chính là chỉ ba nét chấm.
Vì thế, Hầu vương chính là đệ tử của trái tim, đại diện cho chữ Tâm của người tu hành. Trái tim ấy liên tục cử động không yên, tự do tung hoành giữa trời đất đầy những chuyện thiện – ác lẫn lộn.
Trong "Lăng nghiêm kinh" có nói, tâm có 72 tướng, Tôn Ngộ Không cũng có 72 phép biến hóa. Điều này ý nói cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại trạng thái khác nhau.
Gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không nặng 13.500 cân (cân của Trung Quốc, 1 cân bằng 0.5kg). Trong cuốn "Hoàng đế bát thập nhất nan kinh" có nói: "Con người một ngày hít thở 13.500 lần", vì thế mà gậy Như Ý chính là không khí.
Thứ gì có thể lên 33 tầng trời, xuống 18 tầng địa ngục? Đó chẳng phải là linh hồn của con người đó sao?
Tu tâm có thể làm cho tâm con người ta sáng, thế nên lò bát quái cũng chẳng thể thiêu chết mà ngược lại còn giúp Tôn Ngộ Không luyện thành mắt lửa ngươi vàng.
Thiện - ác chỉ khác nhau một suy nghĩ
Ngộ Không bị giam dưới chân núi Ngũ hành, điều này tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của thế giới thế tục kìm kẹp, thao túng cái tâm của con người.
Ngũ hành sơn cũng tượng trưng cho "tham, sân, si, mạn, nghi" (tham lam, giận dữ, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi) trong phật học.
Phật Tổ nói rằng, năm chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không thoát ra khỏi năm chữ này.
Và cũng vì thế, dù Tôn Ngộ Không chỉ cần nhún một cái là đã có thể bay xa 10 vạn 8 nghìn dặm song nhân vật này trước sau đều không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai.
Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không có thể vượt qua 10 vạn 8 nghìn dặm, đó cũng chính là khoảng cách từ đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn. Thông tin này có nghĩa gì?
Hàm ý của thông tin này là: Linh Sơn có xa thế nào, chỉ cần trong lòng có một suy nghĩ, dự định là có thể đến. Thiện ác chỉ cách nhau một suy nghĩ, một suy nghĩ là có thể thành phật, và một suy nghĩ cũng có thể thành quỷ.
Bạch Long Mã là ý chí của con người. Giống như loài ngựa hoang, ý chí của con người chỉ được phát huy tối đa khi tìm thấy mục tiêu rõ ràng của cuộc đời. Ngộ Không đã thu phục ngựa Bạch Long, đại diện cho cái Tâm đã thu phục được cái Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất.
Chỉ cần tâm đầu ý hợp, chí hướng kiên định thì không có khó khăn nào không vượt qua, không có mục tiêu nào không đạt được.
Trên hành trình đi lấy kinh của mình, Ngộ Không và Đường Tăng về sau tiếp tục thu phục được Bát Giới và Sa Tăng, tập hợp được thân, tâm, dục vọng, bản tính, ý chí thành một thể thống nhất.
Trên đường đi lấy kinh, năm thầy trò Đường Tăng đã đánh không biết bao nhiêu yêu quái, thực ra, lũ yêu quái kia chính là phần ác quỷ trong tâm hồn mỗi con người. Và lấy kinh chính là cả một quá trình gạt bỏ phần hiểm ác đó, là quá trình tu tâm đầy hiệu quả.
Theo Nguyễn Nhung (Soha/Trí Thức Trẻ)