Sự kiện trọng đại này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng Phật tử mà còn là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Nguồn gốc xá lợi Đức Phật
Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được nhà khảo cổ học người Anh có tên là William Claxton Peppe tìm ra vào năm 1898 khi tiến hành khai quật di tích nền móng tại làng Piprahwa, huyện Siddharth Nagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nhờ vào việc giải mã các ký tự viết trên nắp bình chứa xá lợi, các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu đã xác định đây chính là xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đúng như trong kinh Đại Bát Niết Bàn có ghi về việc xá lợi Phật được chia làm tám phần tôn trí tại các bảo tháp ở các vùng khác nhau. Các cơ quan khoa học Ấn Độ đã giám định và xếp hạng bảo vật quốc gia tôn kính nhất.
Hiện nay, xá lợi này được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi, Ấn Độ và được quản lý nghiêm ngặt. Tổ chức Maha Bodhi Society của Ấn Độ hiện là chủ sở hữu của ba xá lợi Đức Phật, trong đó có xá lợi lưu giữ tại Sarnath, được đưa đến Việt Nam lần này.
Việc đưa xá lợi ra khỏi Ấn Độ tương đương với một chuyến công du cấp nguyên thủ quốc gia, thể hiện sự trân trọng và tôn kính đặc biệt.
Hành trình cung nghinh xá lợi đến Việt Nam
Ngày 1/5, tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ (New Delhi), Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ cung thỉnh xá lợi, mở đầu cho chuỗi sự kiện quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 – được tổ chức trọng thể tại Việt Nam từ ngày 6-8/5/2025.
Sau quá trình đàm phán và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ, ngày 2/5, xá lợi Đức Phật đã được chuyên chở bằng chuyên cơ quân sự của Không quân Ấn Độ, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Nghi thức đón tiếp trọng thể được cử hành với sự hiện diện của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương cùng đại diện Chính phủ hai quốc gia.
Sau khi tiếp nhận, xá lợi được cung rước về chùa Thanh Tâm tại huyện Bình Chánh, TP HCM để phật tử và nhân dân chiêm bái từ ngày 3 đến 8/5. Tiếp đó, xá lợi được tôn trí tại các địa điểm linh thiêng khác gồm: Núi Bà Đen, Tây Ninh (8-13/5). Tại đây, xá lợi được cung rước lên đỉnh núi cao nhất Nam bộ, nơi tổ chức lễ tôn trí và trồng 108 cây bồ đề, biểu tượng của sự giác ngộ và hòa bình.
Địa điểm tiếp theo là Chùa Quán Sứ, Hà Nội (13-16/5). Tại đây, xá lợi được tôn trí tại tầng 1 hội trường chùa, mở cửa cho phật tử và nhân dân thập phương đến chiêm bái, đảnh lễ.
Chiều 13/5, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính thức về tới chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong không khí trang nghiêm. Lễ rước xá lợi bắt đầu lúc 15h cùng ngày từ sân bay quốc tế Nội Bài. Bên ngoài chùa Quán Sứ, hàng nghìn người dân đã đến từ sớm, mong ngóng tận mắt chiêm ngưỡng xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được rước vào trong chùa.
Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được rước trên kiệu, đi qua tiếng kinh cầu thành kính của hàng nghìn người dân và phật tử. Lễ rước diễn ra chậm rãi. Người dân chắp tay, niệm Phật, mong được chiêm ngưỡng và cầu nguyện dưới xá lợi linh thiêng.
Hôm nay, 14/5, rất đông phật tử vẫn đổ về chùa Quán Sứ để được tận mắt chiêm ngưỡng xá lợi phật Thích Ca Mâu Ni trong dịp hiếm hoi này.
Sau đó sẽ là chùa Tam Chúc, Hà Nam (17-21/5). Đây là ngôi chùa lớn bậc nhất Đông Nam Á, từng đăng cai Vesak 2019, là điểm dừng chân cuối cùng trước khi xá lợi được cung rước trở lại Ấn Độ.
Việc cung nghinh xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Đây là cơ hội hiếm có để phật tử và nhân dân Việt Nam được chiêm bái xá lợi thiêng liêng, tăng cường niềm tin và sự gắn kết với đạo Phật.
Sự kiện cũng thể hiện mối quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo, góp phần thúc đẩy giao lưu và hợp tác song phương.
Theo Hà Lan (SHTT)