Khi nhắc đến hôn nhân, hầu hết các bạn nữ đều có tâm lý e ngại, lo lắng về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không tốt, sợ nhà chồng coi mình như người ngoài nên hình thành tâm lý sợ kết hôn. Trên thực tế, không phải nhà chồng nào cũng như vậy.
Mới đây, một nàng dâu ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) tên Tiểu Mỹ tiết lộ rằng bố chồng đã đưa tiền lương cho cô ngay khi ông về đến nhà. Tiểu Mỹ cho biết cô lấy chồng xa, nhưng cô chưa bao giờ phải chịu bất kỳ ủy khuất nào.
Cách đây 8 năm, cô gặp được chồng khi đang làm việc ở tỉnh Chiết Giang. Hai người hẹn hò hơn một năm trước khi về quê ra mắt bố mẹ hai bên. Bố mẹ Tiểu Mỹ không đồng ý, chủ yếu vì thấy khoảng cách giữa hai gia đình quá xa.
Cô quê ở tỉnh Giang Tây, trong khi chồng đến từ tỉnh An Huy, cách nhau hơn 400km. Họ không nỡ gả con gái đi xa, sợ nhà chồng đối xử với cô không tốt, sợ có chuyện gì thì không thể chạy tới ngay được, sợ sẽ mất luôn cô con gái.
Biết nỗi lo của bố mẹ, cô nàng phải làm công tác tư tưởng mãi, rằng bây giờ đường xá thuận lợi, cô có thể về thăm bố mẹ bất cứ khi nào. Mưa dầm thấm lâu, thấy bạn trai cô cũng là một người đàn ông tốt, đáng tin cậy nên bố mẹ mới chịu gả cô đi.
“Con hứa sẽ đối xử tốt với cô ấy, không để cô ấy phải chịu bất kỳ ủy khuất gì”, chồng Tiểu Mỹ từng hứa với bố mẹ cô như vậy. Và anh đã giữ đúng lời hứa.
Sau khi kết hôn, thời gian đầu Tiểu Mỹ chưa quen với lối sống, phong tục và đồ ăn ở quê nhà chồng. Nhưng may mắn thay, bố chồng rất tâm lý, luôn kiên nhẫn chỉ bảo cô từng chút một rồi nấu ăn giúp cô, nhờ đó mà nàng dâu cũng dần quen.
Khi cô mang thai, hai vợ chồng về quê tìm một công việc gần nhà, còn bố chồng làm bảo vệ trong xí nghiệp. Cuộc sống của gia đình tạm ổn, ít nhất họ không phải xa quê hương nữa.
Sau khi sinh con, Tiểu Mỹ ở nhà chăm con, vun vén gia đình chứ không đi làm nữa, trụ cột chính trong nhà là chồng và bố chồng cô. “Tôi chỉ ở nhà chăm con và nấu ăn. May thay, chồng và bố chồng luôn ghi nhận điều đó, đối xử với tôi rất tốt”, Tiểu Mỹ nói.
Trong nhà cô là “tay hòm chìa khóa”. Bố chồng sợ con dâu không có đủ tiền để tiêu nên hàng tháng đều trích một phần lương đưa cho cô, để cô lo cho con. Nàng dâu nói: “Giờ con tôi đã đi học, bố chồng biết có nhiều khoản cần chi hơn nên mỗi khi được lĩnh lương, về đến nhà bố đều đưa tiền cho tôi để tôi mua đồ ăn, đồ mặc”.
Thấy bố chồng kiếm được đồng tiền không dễ dàng gì nên Tiểu Mỹ không ít lần từ chối, nhưng bố chồng vẫn nhất quyết đưa cho cô. “Lúc đầu tôi không muốn nhận, nhưng bố chồng nói rằng tôi phải chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái và trả tiền điện nước. Con cái cũng cần tiền để đi học. Bố giữ lại 200 tệ (hơn 650 nghìn đồng) và đưa cho tôi 1500 tệ còn lại (khoảng 4,9 triệu đồng).
Tôi rất xúc động khi nghe bố chồng nói: ‘Bố không có khả năng kiếm nhiều tiền, lương được ít, không thể cho con nhiều tiền hơn, con đừng chê nhé’. Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng bố đối xử với tôi rất tốt, ông luôn bảo vệ tôi trong gia đình này”, Tiểu Mỹ nghẹn ngào kể.
Trong hôn nhân khó tránh khỏi những lúc vợ chồng xô bát xô đũa. Mỗi lần thấy hai vợ chồng cãi vã, bố chồng luôn đứng về “phe” con dâu, bắt con trai phải xin lỗi vợ. Những cử chỉ đó khiến Tiểu Mỹ vô cùng ấm lòng và biết ơn, cô nghĩ đời này được gả vào một gia đình như thế này chính là điều hạnh phúc và may mắn nhất đời cô.
Có thể thấy, điều kiện nhà chồng Tiểu Mỹ không tốt lắm nhưng họ lại giàu tình yêu thương dành cho nhau, một nhà hòa thuận ấm áp.
3 điều quan trọng quyết định thành bại trong mối quan hệ nhà chồng - con dâu
Trên thực tế, bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, cần phải có sự vun vén, cố gắng từ hai phía. Và để quyết định thành bại trong mối quan hệ nhà chồng - con dâu thì đây 3 điều quan trọng nhất:
- Tôn trọng
Tôn trọng nhau là mấu chốt quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững. Nếu nàng dâu luôn bài tỏ thái độ tôn trọng với các thành viên nhà chồng thì ở chiều ngược lại, chắc chắn họ sẽ cũng nhận được điều tương tự. Sự tôn trọng được thể hiện qua lời nói, hành động lễ phép, lắng nghe chăm chú mọi điều bố mẹ chồng nói, điều đó khiến họ cảm thấy mình được trân trọng, thấu hiểu từ con dâu.
- Bao dung
Khi mới về nhà chồng, bố mẹ chồng cũng như bạn mà thôi, ban đầu chưa thể hiểu nhau được, vì vậy sự bao dung là điều rất cần thiết. Chuyện lớn nên hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, đừng giữ mãi trong lòng nếu không khoảng cách giữa nàng dâu và nhà chồng sẽ ngày càng xa cách.
- Học hỏi
Ai cũng cần phải không ngừng học hỏi, có như vậy chúng ta mới trở thành phiên bản tốt hơn được. Khi mới về nhà chồng, bạn nên học hỏi mọi thứ từ mẹ chồng, không chỉ giúp bạn sớm hòa nhập với lối sống ở nhà chồng mà còn giúp mối quan hệ nhà chồng con dâu thêm gắn bó, thân thiết.
Theo Cẩm Tú (Phụ Nữ Thủ Đô)