Sự việc xảy ra ở Diêm Thành, Giang Tô, Trung Quốc. Vì con trai nghịch ngợm và làm hỏng đồ trong một nhà hàng, người mẹ đi cùng con đã phải bồi thường một số tiền. Đền tiền xong, người mẹ bắt đầu mắng mỏ, khiển trách con trai 12 tuổi về hành vi của con. Nghe thấy mẹ mắng, cậu con trai không những không chịu nhận lỗi mà còn xông vào đánh mẹ.
Không chỉ đấm đá, cậu bé còn lấy tay bóp cổ mẹ. Người mẹ không nhịn được đã hét lên và đánh lại con. Màn đánh nhau tay đôi của hai mẹ con khiến nhiều có mặt tại nhà hàng chú ý.
Cư dân mạng sau khi chứng kiến cảnh này thì cho rằng người mẹ đã không dạy con đúng cách và bản thân người mẹ cũng hành xử không đúng nơi công cộng.
Tại sao trẻ lại giận dữ?
Một số nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, nguồn gốc chủ yếu của sự tức giận ở trẻ là do chúng cho rằng mình không được yêu thương.
Khi trẻ tức giận, tuy ngoài mặt thì tỏ ý giận dữ, nhưng bên trong trẻ lại thấy bị tổn thương.
Cũng như cậu bé nói trên, khi bị mẹ mắng mỏ, cậu thấy mẹ không còn yêu mình nữa, cộng thêm việc mất mặt ở nơi công cộng đã khiến bé có phản ứng sai trái.
Và khi người mẹ không đủ bình tĩnh trước hành động đánh đập của con trai, đã quyết định giải quyết bằng bạo lực. Cứ như thế, dù sau đó, người mẹ có đánh và át được con thì cô cũng mất đi cơ hội thấu hiểu và gần gũi con cái.
Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Rudolf Drex cho rằng một đứa trẻ cư xử sai là một đứa trẻ mất tự tin. Đằng sau sự tức giận của trẻ là dấu hiệu đứa trẻ thiếu sự yêu thương, thấu hiểu của cha mẹ.
Nếu cha mẹ tỏ ra phớt lờ hay lấy cái uy của người lớn để kìm nén cơn giận của con cái, chúng sẽ mất đi cảm giác an toàn và tin tưởng vào cha mẹ.
Vậy khi trẻ giận dữ, cha mẹ cần làm gì?
Hãy cư xử thật bình tĩnh, nhẹ nhàng và tỏ rõ sự yêu thương để trẻ bình tâm trở lại.
Điều cần lưu ý là người lớn không nên nói lý luận với trẻ khi chúng đang giận dữ. Chuyện chỉ trích trẻ lúc này lại càng không nên. Bởi nếu làm như vậy, trẻ sẽ thấy bạn chỉ quan tâm tới việc đúng hay sai chứ không phải là bản thân đứa trẻ như thế nào. Và dẫn tới mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái dần dần bị xa cách.
Hãy để đến khi con bình tĩnh trở lại, cha mẹ trò chuyện, chia sẻ với con về những tình huống khó chịu mình từng gặp phải để con hiểu rằng mình cũng từng rơi vào tình huống như vậy. Đồng thời cha mẹ gợi ý cho con cách phản ứng sẽ như thế nào.
Chỉ bằng cách này, trẻ mới cảm nhận rằng mình được thấu hiểu, sẵn sàng mở lòng với cha mẹ, nghe lời cha mẹ và biết cách xử lý tình huống tốt hơn thay vì tức giận.
Theo An Nhiên (Pháp Luật & Bạn Đọc)