Thông tin được chia sẻ nhiều nhất ngày hôm nay chính là việc mô hình "Tháp" nghệ thuật triển lãm ở Hồ Gươm bị tháo dỡ. Được biết, công trình nghệ thuật này thuộc bộ 6 tác phẩm kỉ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô (10/10/2019) và được kỳ công thực hiện bởi nhóm tác giả là các nhà điêu khắc.
"Tháp" được đặt trên vỉa hè bờ đông Hồ Gươm, nằm bên cạnh tháp Hòa Phong, có 6 tầng, gồm nhiều ô cửa màu sắc. Người dân và du khách có thể trải nghiệm bằng cách đi sâu vào bên trong tác phẩm, quan sát cảnh vật thông qua những lăng kính màu xanh dương, đỏ sẫm và tím.
Đó là mường tượng của những người đã kiến tạo ra tác phẩm này. Mục đích của họ đã quá rõ ràng: Tạo dựng một công trình để mọi người cùng ngắm nhìn và vui chơi. Ấy thế nhưng, có vẻ như tất cả chỉ tồn tại trong suy nghĩ khi mà người ta chỉ ngắm nó được vài ngày, xong xuôi đâu đó lại bất ngờ biến nó thành một nhà vệ sinh công cộng.
Và chính vì sự sáng tạo vô biên này của một bộ phận người dân mà công trình đã bị phá bỏ đi. Chiếc "Tháp" đã chính thức không còn chỗ đứng không phải vì nguyên nhân kỹ thuật hay mỹ thuật. Thật sự, đây là một lý do nghe rất vô lý nhưng không thuyết phục chút nào.
Nhà vệ sinh với tháp nghệ thuật khác nhau mà, cớ sao lại nhầm lẫn như thế?
Nguồn tin phản ánh từ cộng đồng mạng cho biết thời gian gần đây, một bộ phận người dân liên tục phóng uế, thậm chí nôn mửa trong chiếc tháp này khiến cho tác phẩm bốc mùi hôi thối, khó chịu. Đến nỗi, du khách chỉ mới bước vào bên trong thôi đã phải chạy vội ra ra ngoài vì không thể chịu nổi.
Đến nước này, những người chịu trách nhiệm đành phải tháo dỡ công trình mang đi. Vậy là, đường đường là một công trình kiến trúc nghệ thuật nhưng chiếc "Tháp" phải oằn mình chịu đựng, chứng kiến những hành động cực kỳ thô lỗ của con người. Mà nghe đâu, nhà vệ sinh công cộng chỉ cách đó vài chục mét, chẳng hiểu sao lại có sự nhầm lẫn như thế nhỉ?
Rõ ràng, màu sắc bên ngoài của hai công trình này là hoàn toàn khác nhau. Trong khi nhà vệ sinh công cộng chuẩn có màu xám và đề chữ to đùng thì chiếc "Tháp" lại rực rỡ sắc màu và chẳng hề có biển báo nào cả. Chỉ khác duy nhất một điều là nhà vệ sinh có cửa, còn "Tháp" thì không. Phải chẳng chính vì sự gợi mở đó mà người ta mới nhanh chân chạy vào nơi nghệ thuật kia để giải quyết nỗi buồn cho nhanh hay chăng?
Không chỉ có vậy, thông thường khi đi vào một nhà vệ sinh thì cái đầu tiên nhìn thấy sẽ là bồn cầu rồi sau đó sẽ là vòi nước. Còn chiếc "Tháp" kia được dựng trên nền đất thì lấy đâu ra những thứ đó cho mọi người dùng. Sự khác biệt này cực kỳ dễ phát hiện chứ có phải khó khăn gì đâu mà sau những người đó lại không biết nhỉ? Hay biết rồi mà vẫn cố tình vi phạm thì tội còn nặng hơn đó!
Cái "tặc lưỡi" chẳng ai biết mình là ai hay thói bạ đâu thải đó cứ thế thành quen?
"Có rất nhiều người dùng ý thức cho riêng nhà họ còn ra cộng đồng thì họ phóng uế, xả rác khắp mọi nơi...", một người dùng mạng đã bình luận như vậy khi nói về sự việc lùm xùm này. Trước đó, có thể thấy trên mạng xã hội cũng lan truyền vô số các bức ảnh chụp những người đàn ông đứng tiểu tiện ngay trên đường phố.
Theo đó, họ ngang nhiên xả bậy lên những bức tường, phía sau cột điện hay bất cứ chỗ nào cảm thấy phù hợp mà chẳng cần để ý tới việc người khác cảm thấy như thế nào. Đặc biệt hơn, có những người coi đây là "đặc quyền" của đàn ông và cứ thế ngang nhiên hành động chẳng cần kiêng nể ai, bất chấp nhà vệ sinh công cộng có khi chỉ cách vài bước chân.
Và có lẽ, ở những người này đã tồn tại một tâm lý là: "Kệ, đi ngoài đường có ai biết đấy là đâu, chẳng ai biết mình, cứ được việc cái đã còn mọi thứ tính sau". Chính cái "tặc lưỡi" này đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của chính họ và làm liên lụy cả đến những người khác nữa.
Theo Nhân Mã (Helino)