Không có gì là quá khi nói, muốn biết đàn ông có thương vợ thật lòng cứ nhìn thái độ họ chờ vợ ở cửa phòng sinh và cách chăm vợ ở cữ. Bởi thật sự khoảng thời gian chửa đẻ, ở cữ là lúc người phụ nữ cần được chồng ở bên yêu thương, san sẻ.
Trải qua sinh nở, phụ nữ phải chịu không biết bao nhiêu đau đớn nguy hiểm. Với họ, sự quan tâm của chồng chính là động lực lớn nhất để vượt qua mọi khó khăn. Tiếc rằng có những người chồng quá vô tâm, chẳng hiểu được tâm tư đơn giản ấy của vợ.
Lấy được người đàn ông vô tâm như thế, cô vợ dưới đây đã lên mạng xã hội than thở: "Chán lắm các chị ạ. Người ta chửa đẻ, ở cữ được chồng nâng giấc, chăm lo tận tình. Em ngược lại, ở cữ chẳng ngày nào là ngày không rơi nước mắt vì chồng, nản lắm.
Em cưới lúc có bầu 4 tháng. Có lẽ vì vợ chồng em yêu nhanh cưới vội thành thử bước chân vào cuộc sống hôn nhân em khá sốc với tính cách con người thật của chồng.
Anh ấy hơn em 5 tuổi, nhìn chững chạc, sự nghiệp ổn định. Cũng vì thế mà khi yêu em luôn tin tưởng, không ngại vượt rào với anh. Vậy mà cưới về rồi em như người rơi từ 9 tầng mây xuống mặt đất. Khác với vẻ hào hoa, ga lăng, tâm lý ngày yêu, sau kết hôn chồng em sống khô khan, vô tâm lắm. Với anh chẳng có gì quan trọng bằng công việc.
Sáng đi sớm, tối về muộn, vợ bầu bí vượt mặt không hỏi han 1 lời. Thi thoảng em đau bại kêu mệt, anh chỉ chẹp miệng bảo: 'Chửa có ai không thế?'. Nhiều đêm tủi thân nằm rơi nước mắt, anh quay gắt gỏng: 'Em có hâm không, đang yên đang lành, không ai động vào cũng khóc. Mình không ngủ phải để người khác ngủ'.
Cực nhất là những ngày ở cữ của em, anh chẳng quan tâm, nấu cho vợ được bữa cơm cữ nào. 1 tháng đầu mẹ đẻ lên chăm em còn được ăn uống tẩm bổ. Sau bà về rồi mẹ con tự trông nhau, đêm chăm con ngày quán xuyến việc nhà, từ cơm nước, tã lót của con lẫn quần áo của chồng một tay em tự lo liệu. Vì thiếu ngủ, đầu óc căng thẳng mà sữa em ít dần.
Đã vậy cu con lại không chịu ăn thêm sữa ngoài thành thử đêm đói, bú mẹ không có sữa nó làu bàu, hậm hực cả đêm. Anh không ngủ được lại mắng vợ vô tích sự, có mỗi việc nuôi con không lên hồn.
Chiều qua cũng vậy, đang chuẩn bị ăn cơm con em khóc, nó ti mẹ ít sữa lại càng gào lên, dỗ mãi mới chịu nín cho mẹ ngồi ăn. Ai dè, em vừa bưng bát cơm lên, chồng lạnh giọng bảo: 'Ăn không ra sữa thì ăn làm gì, phí của'.
Em nghẹn ứ như mắc xương trong cổ họng. Nước mắt cứ vậy là đua nhau rơi. Chẳng hiểu sao từ lúc chửa tới đẻ, em mau nước mắt lắm, cảm giác tủi thân không gì tả được. Nghĩ ức quá, em đặt bát xuống mâm, nói thẳng: 'Tôi không đủ sữa cho con bú 1 phần vì anh đó. Người ta chửa đẻ được chồng ở bên chăm sóc đỡ đần.
Đằng anh nghĩ lại xem, từ lúc tôi chửa tới khi tôi ở cữ, anh chăm được vợ ngày nào. Đêm thức trắng trông con, ngày làm việc nhà, anh không 1 lời hỏi han, ngó ngàng còn suốt ngày chì chiết. Nếu anh biết suy nghĩ, thương vợ con thì anh phải tìm cách giúp vợ nhiều sữa chứ không phải đứng đó đay nghiến vợ, bảo ăn ít, ăn nhiều. Nói thật, ở với anh tôi mới chỉ ít sữa là còn may chứ thần kinh yếu có lẽ đã trầm cảm lâu rồi. Anh xem có ai đối xử với vợ đẻ như anh'.
Chồng em ngồi im lặng, kiểu như quá bất ngờ trước phản ứng của vợ vì đây là lần đầu tiên sau khi lấy nhau, em có thái độ gay gắt thế. Suốt bữa đó, anh không nói gì song đến đêm thấy con ọ ẹ đòi ăn chồng em cũng ngồi dậy dỗ rồi còn pha cho vợ cốc sữa nóng bảo: 'Em uống vào, 1 lúc sẽ ra sữa cho con bú'.
Nói chung tuy vẫn còn tủi nhưng xem ra những lời nói khi tối của em cũng bắt đầu phát huy tác dụng các chị ạ. Hi vọng anh ấy sẽ thay đổi chứ không sống mãi với người vô tâm, em nản lắm".
Đúng là chỉ khi bầu bí, chửa đẻ phụ nữ mới có thể dễ dàng nhận ra người đàn ông mà bấy lâu nay mình trao thân gửi phận có xứng làm chồng hay không. Bởi làm vợ, phụ nữ không ngại hi sinh tất cả vì chồng, kể cả vượt "cửa sinh tử" đẻ con cho chồng.
Điều duy nhất họ mong nhận được lại ở các anh là sự yêu thương, thấu hiểu, cùng họ vượt qua những thời khắc gian nan này. Vậy mà chồng lại vô tâm không hiểu tâm tư đó hỏi rằng làm sao vợ không dằn vặt, tủi phận. Mong rằng các anh chồng sẽ hiểu tâm nguyện ấy của người phụ nữ bên cạnh mình mà không phụ lòng họ.
Theo Hải Hương (Trí Thức Trẻ)