Vợ chồng tôi mắc kẹt vì dồn tiền xây nhà với bố mẹ nhưng không thể ở chung

19/09/2018 08:12:32

Định sống cả đời với bố mẹ, vợ chồng anh Đức xây nhà 3 tầng rộng 120 m2, nhưng sau đành dọn ra ngoài vì các vấn đề nảy sinh.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Phạm Văn Đức, 36 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội về thế khó của vợ chồng anh khi dồn tiền xây nhà trên đất của bố mẹ. 

Cách đây 5 năm, khi tích cóp được vốn liếng kha khá, vợ chồng tôi quyết định dồn tiền cất ngôi nhà 3 tầng ngay trên nền gian nhà cấp 4 đang ở chung với bố mẹ. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Từ trước tới nay, cả bố mẹ và tôi luôn xác định vợ chồng tôi sẽ sống chung với ông bà tới cuối đời. Vì thế, khi các cụ muốn xây lại nhà, chúng tôi nghĩ sẽ làm khang trang luôn, phần để bố mẹ phấn khởi vì đã chịu vất vả cả đời, phần để gia đình nhỏ của mình sẽ sống lâu dài về sau. 

Tôi là dân kiến trúc, vợ là bác sĩ, thu nhập cả hai đều tốt. Chúng tôi quyết định dồn hơn một tỷ vào xây căn nhà 120 m2 trên nền đất gần 500m. Tôi thiết kế nhà có đủ sân phía trước để tụi nhỏ chơi đùa, có vườn phía sau cho bà trồng rau cỏ, tầng một không ngăn nhiều phòng vì làm chỗ tụ tập, ăn uống cho các anh chị, cháu mỗi lần về chơi. Các chị gái tôi đều đã lập gia đình, một người ở nội thành, hai người khác ở làng bên, thỉnh thoảng lại về đông đủ. 

Vợ chồng tôi mắc kẹt vì dồn tiền xây nhà với bố mẹ nhưng không thể ở chung
Ảnh minh họa: Irishnews.

Căn nhà bề thế xây xong ai đến cũng trầm trồ. Bố mẹ tôi mừng ra mặt vì cả đời chui ra chui vào căn nhà cấp 4 xuống cấp. Cả bố mẹ lẫn vợ chồng, con cái tôi chỉ sử dụng hết 3 phòng, nhưng tôi làm hẳn 6 phòng để khi các chị mình về có chỗ ngủ và sau này các con tôi lớn, lập gia đình, có con thì chúng cũng không thiếu không gian. 

Dù phải vay thêm gần 200 triệu vì nhiều khoản phát sinh, vợ chồng tôi cũng không lo lắng nhiều vì các việc lớn coi như đã làm xong, nay chỉ cần túc tắc làm ăn rồi tích lũy trả nợ. 

Tuy nhiên, mọi kế hoạch không như dự tính. Năm ngoái, chị gái thứ 2 bị chồng bạo hành, chuẩn bị ly hôn, bố mẹ tôi xót xa nên muốn vợ chồng tôi đón chị và các cháu về ở cùng. Dù vợ tôi không thoải mái lắm vì trước nay vốn không hợp với chị ấy nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn đồng ý bởi đinh ninh rằng chị sẽ chuyển ra ngoài khi mọi việc yên ổn, sau vài tháng tới một năm là cùng. Chữ "nhưng" lại đến một lần nữa. 

Có thể một phần do bất ổn về tâm lý, chị gái tôi hay gây sự và tỵ nạnh với vợ tôi, thường xuyên so bì con mình với các cháu. Tôi luôn luôn ở tình cảnh khó xử, mệt mỏi. 

Nhiều lần, tôi nhờ mẹ gợi ý bảo chị mua một mảnh đất trong làng (tôi sẵn sàng hỗ trợ một phần) rồi làm ngôi nhà nhỏ ở riêng nhưng mỗi lần mẹ tôi mở lời chị đều lu loa khóc lóc nên mọi việc lại như cũ. Cuối cùng, nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục cảnh này, vợ chồng không bỏ nhau thì chị em cũng lìa mặt, tôi quyết định mua mảnh đất cách nhà bố mẹ khoảng một km rồi làm ngôi nhà cấp 4 và đưa vợ con sang ở. 

Vì tiền đã dồn hết làm căn nhà trước, chúng tôi hầu như phải vay mượn hết khi xây nhà này nên cũng không dám đầu tư nhiều. Căn nhà chưa đầy 70m, có 3 phòng bé, một khoảng sân nhỏ, với các đồ thiết yếu nhưng từ ngày dọn sang chúng tôi thoải mái hẳn.

Nhưng vấn đề lớn nhất sau đó không phải là khoản nợ hai vợ chồng phải è cổ trả mà là công tác tinh thần cho bố mẹ tôi. Ông bà chưa chấp nhận được việc chúng tôi ra ở riêng, lại sợ mang tiếng với làng xóm rằng chắc trong gia đình lục đục nên nhà to mà con cái không ở, lại phải ra ngoài. Nhưng tôi tin rằng, một thời gian nữa, khi thấy chúng tôi sống vui vầy, vẫn ngày ngày qua thăm nom, các cụ sẽ nguôi ngoai.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi thực sự cũng không ân hận việc đã dồn tiền xây nhà to ban đầu bởi đời người không ai tính hết được mọi chuyện. Nhưng tôi nhận ra rằng, chất lượng cuộc sống đôi khi không phụ thuộc vào độ rộng, đẹp của căn nhà, những tiện nghi bên trong nó mà chủ yếu từ mối quan hệ giữa các thành viên sống cùng.

Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (TP HCM) cho biết, anh từng gặp không ít gia đình dù nhu cầu sử dụng chỉ 2-3 phòng ngủ nhưng xây căn nhà 3-4 tầng, dư vài phòng cho người thân tá túc khi cần hoặc để tiếp khách... 

Với những người có thu nhập tốt - như vợ chồng anh Đức và ở vùng ngoại thành thì việc xây dựng nhà lớn không khó nhưng làm vậy có thể mang tới những rắc rối không đáng, như: 

- Phát sinh chi phí trong xây dựng. 

- Nhà quá to, dư nhiều phòng sẽ phát sinh chi phí, sức lực dọn dẹp, bảo trì.

- Xây phòng đàng hoàng để đợi đón khách - người thân, có thể khiến họ mặc nhiên nghĩ gia chủ luôn mong muốn họ đến (và những căn phòng đó là dành cho mình). Việc có người khác ở trong nhà thời gian ngắn không sao nhưng thời gian dài sẽ làm gia đình bị xáo trộn, có thể dẫn đến phiền phức không đáng có.

Theo ông Hải, khi xây dựng, bạn chỉ nên xây không gian vừa đủ cho sinh hoạt gia đình, có thể quan tâm hơn tới những khu sinh hoạt chung, làm phòng khách rộng. Khách tới nhà có thể ở ghép với gia đình, hoặc sử dụng phòng khách hay phòng sinh hoạt chung để ở tạm. Như vậy, gia chủ vẫn thể hiện được sự hiếu khách và người tới ở sẽ hiểu đó không phải nơi để cho họ lưu lại lâu dài.

Ở góc độ khác, chuyên viên tài chính cá nhân gia đình Bội Lê (TP HCM), cho rằng, khi xây nhà, rất khó đề phòng hết những chuyện phát sinh trong gia đình về sau. Điều quan trọng là, khi mọi sự đã xảy ra thì gia chủ tìm được cách giải quyết cho hài hòa. Hai vợ chồng anh Trung còn thuận lợi do có thu nhập cao nên không bị lún vào nợ sâu khi dồn nhiều tiền xây nhà to mà không ở được. Dù vậy, họ cũng cần nghĩ tới việc phân chia đất nền của cha mẹ sau này và có phương án khéo léo để không ảnh hưởng lớn về tài chính và giữ sự êm ấm trong gia đình. 

Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)

Nổi bật