Ngày đầu tiên của tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa. |
“Người Trung Quốc gọi tháng 1 Âm lịch là Chính nguyệt. Chữ Chính trong tiếng Hán khi chuyển sang chữ Nôm đều có vần “iêng”. Vì thế, người Việt gọi tháng 1 Âm lịch là tháng Giêng”, Giáo sư Hoạch nói.
Giáo sư Hoạch lấy ví dụ thêm: “tứ chính chấn” trong tiếng Hán, sang Nôm đọc thành “tứ chiếng” trong câu nói “trai tứ chiếng, gái giang hồ”.
Theo Giáo sư Hoạch, ngày đầu tiên của tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên đán. Nguyên ở đây có nghĩa là thứ nhất, người đứng đầu như nguyên soái, nguyên thủ quốc gia… Và đặc biệt, trong Âm lịch, tháng Giêng là tháng không được phép nhuận. Đa phần các lễ hội của Việt Nam hiện nay tập trung trong tháng Giêng.
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, nguồn gốc của chữ Giêng trong tháng Giêng bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán.
“Tháng 1 Âm lịch người Trung Quốc gọi là Chính nguyệt. Nguyệt nghĩa là trăng nhưng cũng có nghĩa là tháng. Chính nguyệt là tháng chính, tháng đầu tiên của năm. Chính tương đồng với chiếng, qua thời gian, người ta đọc chệch âm thành Giêng”, giáo sư Biền giải thích.
Theo giáo sư Biền, trong tháng Giêng người ta thường kiêng kị làm việc xấu bởi đây là tháng khởi đầu của năm mới, tháng đầy sự tốt đẹp nên con người làm điều không hay sẽ dông cả năm.
Ngoài ra, trong tháng Giêng, người Việt có một tục lệ là cúng Rằm tháng Giêng và đi chùa lễ Phật để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp. Dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng Giêng” để nói về ý nghĩa quan trọng của ngày này.
Lễ rằm tháng Giêng xưa còn thường gọi là Tết muộn bởi, những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình có người chết vào dịp Tết Nguyên đán được ăn Tết bù.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)