Việt Nam không chỉ đẹp nhờ thiên nhiên, và còn vô cùng thú vị nhờ lịch sử, nhờ văn hóa, con người. Thật đáng tiếc, theo cảm nhận của tôi khi dường như chỉ có khách Tây là đa số mới thích khám phá điều đó.
Trong con mắt người nước ngoài, Việt Nam là một đích đến du lịch hấp dẫn. Ngoài thiên nhiên tươi đẹp, đồ ăn ngon, người nước ngoài thường khuyên nhau đến du lịch ở Việt Nam vì đây là nơi rất "giàu có về văn hóa và lịch sử", nơi vẫn còn giữ được những nét rất riêng, rất đặc trưng cho văn hóa Việt.
Chính vì thế, họ đặc biệt quan tâm đến các chương trình du lịch giúp khám phá văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ngược lại, dường như ở Việt Nam loại hình du lịch này còn chưa thu hút được sự chú ý của người Việt.
Thực ra, người Việt mới bắt đầu có thói quen đi du lịch hàng năm từ khoảng vài chục năm trở lại đây. Trước đây, cuộc sống khó khăn sau hai cuộc chiến tàn phá đất nước làm chúng ta mới chỉ nghỉ đến sao cho cơm đủ hai bữa, chứ chưa nghĩ đến đi xa để nghỉ ngơi, khám phá.
Thế hệ ông bà của tôi có những người cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng, nói chi đến chuyện đi "du lịch". Còn ngày nay người Việt trẻ chúng ta may mắn hơn nhiều. Cuộc sống kinh tế phát triển hơn nên giờ mỗi năm đi du lịch xa xa ít nhất một lần là điều trở nên bình thường trong phần lớn các gia đình từ trung lưu trở lên. Đối với các gia đình khá giả hơn, thì đi du lịch nước ngoài không còn là điều hiếm hoi nữa.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam tập trung phát triển du lịch như một mũi nhọn của nền kinh tế, nên người Việt muốn đi đâu trong nước cũng có chỗ chơi, chỗ khám phá.
Tuy nhiên, chúng ta số đông vẫn thích đi du lịch dạng nghỉ dưỡng như tắm biển, đi dạo, đi shopping, ăn đặc sản chứ du lịch kiểu khám phá văn hóa, lịch sử, địa lí chưa hấp dẫn phần đông du khách Việt.
Tất nhiên, có một vài chương trình du lịch dạng này ở Việt Nam, nhưng phần đông là để dành cho du khách nước ngoài quan tâm khám phá các giá trị tinh thần, các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, chứ đối với du khách Việt thì… rất ít quan tâm.
Ngược lại, ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, du lịch văn hóa, lịch sử lại vô cùng được "chuộng" ngay cả ở khách nội địa, và không chỉ ở khách du lịch đi theo gia đình, mà cả ở các bạn trẻ đi du lịch theo cặp, nhóm.
Nước Pháp nổi tiếng có bề dày văn hóa, lịch sử nên họ đặc biệt biết khai thác thế mạnh "bản sắc Pháp" để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Ở đây, các điểm du lịch lịch sử từ nhỏ đến lớn đều có, và vô cùng đông khách.
Ví dụ như các ngôi làng cổ, thành cổ từ nhỏ đến lớn được biến thành các điểm du lịch đặc sắc, khai thác thương mại nhưng vẫn giữ nguyên, bảo tồn, các đặc điểm đặc trưng, hạn chế hiện đại hóa, thay đổi lịch sử nhất có thể.
Những điểm du lịch như thế này cũng có sự tái hiện vô cùng sống động cuộc sống thời xưa với các diễn viên phục trang theo lối cổ xưa, hay với các món ăn, phương tiện giao thông người xưa hay dùng, các lễ hội hay các vở kịch làm khách du lịch "hòa mình" với giai đoạn lịch sử đó, hiểu rõ hơn nền văn hóa Pháp, con người Pháp.
Vừa chơi, vừa khám phá, vừa nắm được lịch sử, văn hóa đất nước, nên bao nhiêu khách du lịch đều mê mẩn. Chính vì thế, không ngạc nhiên gì khi Puy du Fou, một công viên giải trí có tính cách lịch sử (tái hiện lại các giai đoạn trong lịch sử nước Pháp), nằm cách Paris độ vài giờ lái xe, được bầu nhiều lần là công viên yêu thích nhất của người Pháp.
Vậy tại sao khách du lịch Việt chưa thực sự quan tâm đến hình thái du lịch này ở Việt Nam? Người Việt Nam không yêu lịch sử, văn hóa ư? Tôi không cho là vậy.
Đầu tiên, tôi cho là vì giáo dục Việt Nam chưa thành công trong việc giúp học sinh yêu lịch sử hay thích khám phá văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt. Các bài học khô khan, không có minh họa sinh động sẽ khó làm học sinh thấy yêu thích lịch sử.
Trong khi đó, trẻ em ở các nước phát triển thường xuyên có các buổi tham quan di tích lịch sử hay viện bảo tàng, trong đó các em được đi xem thực tế các địa điểm lịch sử, nơi các câu chuyện, các sự kiện được tái hiện lại một cách sinh động.
Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng thế, ở đây các bé được học nghệ thuật, đi xem múa kịch đương đại, xem tranh trừu tượng từ .. 3, 4 tuổi, nên sớm phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật, và lòng yêu văn hóa, nghệ thuật.
Dường như văn hóa, nghệ thuật, kiến thức lịch sử đã trở thành cách sống, cách hưởng thụ của phần đông người dân ở các nước có trình độ phát triển cao. Trong khi đó, ở Việt Nam đây vẫn là vấn đề ít người thực sự quan tâm.
Thứ hai là ở Việt Nam các chương trình du lịch khám phá văn hóa, lịch sử dành cho du khách Việt còn quá sơ sài, nhàm chán, nghèo nàn. Sự tái hiện lịch sử nhiều khi được làm một cách khá cẩu thả nên người am hiểu sẽ thấy … bực mình, người muốn tìm hiểu thì lại không được giải thích thấu đáo, các bạn trẻ thì thấy không hấp dẫn vì chả sinh động gì cả.
Chính vì thế, người Việt dường như thường thích đi du lịch ở các khu nghỉ dưỡng, đi tắm biển, hay đi các thiên đường mua sắm hơn là đi thăm các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử. Tất nhiên, vẫn có những người Việt thích du lịch theo cách khám phá, tìm hiểu, nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ.
Sự thiếu quan tâm đến lịch sử hay các giá trị văn hóa nước nhà đang dẫn đến hậu quả gì ở Việt Nam ? Đó chính là các bạn trẻ ngày càng hâm mộ văn hóa Nhật, Hàn, Trung Quốc... hơn, thuộc sử của họ có khi còn hơn thuộc sử Việt Nam. Trong khi đó, văn hóa Việt Nam lại được đánh giá cao trong con mắt các bạn "Tây", hay chính các bạn Nhật, Hàn Quốc vì sự giàu có, vì bề dày lịch sử, vì sự đa dạng nhờ vào 54 dân tộc Việt.
Tất nhiên, vẫn còn có những người Việt yêu văn hóa Việt, yêu lịch sử Việt và muốn gìn giữ, truyền lại các giá trị văn hóa này tới các thế hệ sau. Ví dụ như anh H.M, một họa sĩ khá nổi tiếng, chủ nhân của Bảo tàng không gian văn hoá Mường Hòa Bình vô cùng thú vị cho biết sau một thời gian dài các trường thờ ơ với Bảo tàng, hiện nay đã có những đoàn khách nhí tới thăm theo chương trình do trường tổ chức.
Cũng nói thêm rằng cách đây vài năm, chiếc nhà Lang đặc sắc nhất trong bảo tàng bị khách thăm làm … cháy rụi, điều đáng nói là khi nhà bốc cháy thì các vị khách du lịch này cũng nhảy lên xe trốn mất, và nghệ sĩ cũng chẳng được đền bù gì.
Hay như chị B., một nhà khoa học ở Hà Nội nhưng có một đam mê rất tuyệt là tổ chức các chương trình khám phá lịch sử văn hóa Việt Nam cho các bé học sinh. Chương trình của chị thú vị và sống động, nên không chỉ các em, mà các … bậc phụ huynh còn thích thú muốn tham gia.
Việt Nam không chỉ đẹp nhờ thiên nhiên, và còn vô cùng thú vị nhờ lịch sử, nhờ văn hóa, con người Việt Nam. Thật đáng tiếc theo tôi dường khi chỉ có khách "Tây" mới thích và số đông thường khám phá điều đó.
Theo Thiên Kim (Thanh Niên Online)