Tôi định cư cùng chồng và 2 con ở Bỉ đã hơn 10 năm. Khoảng 2-3 năm tôi về thăm gia đình, họ hàng, mỗi lần về khoảng 2 tuần. Quê tôi ở Bình Dương, nhưng thường ở nhà em gái tại Sài Gòn để tiện đưa các con đi chơi, dễ bắt xe ra sân bay, đi du lịch những thắng cảnh trong nước.
Năm nay tôi về với cậu con trai lớn, 9 tuổi, đầu tháng 8 vừa qua. Trong thời gian ở nhà em gái, ngày nào em cũng rủ tôi ra quán ăn sáng, không phải có tôi về mới vậy, mà đó là thói quen của nhà em. Hôm thì ăn phở, hôm ăn bánh canh, hủ tiếu, mỳ Quảng, rẻ nhất là 30.000 đồng, còn trung bình là 40.000 đến 45.000 đồng/bát. Như vậy, 4 người nhà em, nguyên tiền ăn sáng đã hết từ 120 đến khoảng 180.000 đồng. Vì lâu lâu mới về nên tôi tranh trả tiền cho mọi người, thêm hai mẹ con tôi nữa, mỗi lần tôi trả khoảng 280.000 đồng, chưa kể thêm tiền nước ngọt.
Hai vợ chồng em mỗi tháng thu nhập được khoảng 12 triệu, riêng tiền ăn sáng đã chiếm khoảng 1/3 lương. Hỏi vài nhà họ hàng, ít hơn một chút, họ cũng dành tới 1/5 tới 1/6 cho khoản này. Tôi thấy như thế là quá nhiều. Tôi có nói chuyện với em, hỏi tại sao em không nấu ăn ở nhà, như thế sẽ tiết kiệm hơn. Nhưng em nói tự nấu cách rách chuẩn bị đồ, rồi lại phải rửa xoong nồi, bát đĩa, tốn thời gian mà ăn không ngon như ngoài hàng.
Tôi ra quán thấy hàng ăn sáng nào cũng đông, từ cháo, miến, đến bún, phở... Ăn xong nhiều người còn ngồi uống cà phê, hút thuốc, lại tốn thêm khoản nữa. Nhiều đàn ông còn tụ tập thành hội nhóm, ăn uống rồi thêm cả rượu, bia. Hình như, ăn sáng ngoài hàng trở thành thói quen của nhiều người.
Nhiều người Việt có thói quen ăn sáng ngoài hàng. Ảnh: Tuệ Minh. |
Tôi thấy điều này khác với bên Bỉ nhiều. Hầu hết các gia đình Bỉ đều tự ăn ở nhà, hoặc làm đồ xong mang tới chỗ làm để ăn, vừa tiết kiệm, vừa sạch sẽ. Các cửa hàng ăn sáng như Việt Nam hầu như không có.
Bữa điểm tâm 4 người nhà tôi bên Bỉ tốn rất ít tiền. Chúng tôi thường ăn bánh mỳ với mứt. Một ổ bánh mỳ xắt lát hết khoảng 2 euro (khoảng 54.000 đồng), ăn được trong hai ngày. Một hũ mứt cũng sẽ khoảng 2 euro, ăn được khoảng 4 ngày. Nhưng nhà tôi hay được bố mẹ chồng cho mứt tự làm từ dâu hái trong vườn nên hầu như không tốn. Chồng tôi ăn bánh mỳ xong, uống thêm 2 tách cà phê rồi đi làm, ngày nào cũng vậy. Tôi cũng thường lót dạ bánh mỳ, phệt một ít mứt là xong.
Các con có thể ăn bánh mỳ hoặc ăn ngũ cốc với uống sữa... Ngũ cốc chưa tới một euro cho 500g, ăn được trong một tuần. Một lít sữa hết có 0,67 euro (18 nghìn) uống trong khoảng 2 ngày. Thi thoảng tôi làm bánh xèo Bỉ, tốn khoảng 4 euro tiền nguyên liệu và cả nhà ăn khoảng 3 ngày cho bữa sáng, hoặc trưa, tối. Nhà tôi rất ít khi mua đồ ăn nhanh ở ngoài, bạn bè, đồng nghiệp tôi hầu như cũng vậy.
Tính tất cả các chi phí, mỗi tháng tôi tốn khoảng 75-85 euro tiền ăn sáng cho cả nhà (khoảng hơn 2 triệu - 2,3 triệu/tháng). Nếu so với nhà em tôi ở Việt Nam, tiền ăn sáng mỗi tháng tôi phải bỏ ra ít hơn gần một nửa, dù cùng với 4 người, 2 người lớn, 2 trẻ em.
Ở Việt Nam cũng sẽ có những người ăn sáng không tiêu tốn nhiều tiền đến vậy, họ cũng ở nhà nấu mỳ tôm, ăn cơm nguội, tự nấu bún ở nhà hay ăn bánh mỳ... Chi phí mỗi nhà bỏ ra là khác nhau nên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng với tôi, một gia đình Việt đã định cư ở Bỉ hơn một thập kỷ, tôi luôn muốn chuẩn bị bữa sáng cho chồng và các con ở nhà, không chỉ vì tiết kiệm, mà còn không phải lo lắng các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi thấy ở đây mọi người không có văn hóa ăn sáng ngoài hàng nhiều như bên mình. Cùng nhau dậy, ngồi quây quần bên bàn ăn, rồi chúc nhau một ngày tốt lành, ấm áp hơn nhiều.
Tháng 3/2017, khảo sát của tờ Bloomberg cho thấy người Việt chi cho bữa sáng tốn kém bậc nhất thế giới. Nếu tính tỷ lệ chi phí bữa sáng trên thu nhập ngày, các thành phố tại Việt Nam (Hà Nội, TP HCM) nằm ở nhóm cao nhất (4,4% trở lên). Cụ thể tại Hà Nội, tỷ lệ này là 12%. Con số tại Osaka (Nhật) chỉ là 1%. Trong khi thu nhập trung bình của người Hà Nội chỉ bằng 1/8 thu nhập trung bình của người dân ở Osaka. |