Đặt trà sữa online dù "search" đúng tên thật, nhưng ra cả đồ dỏm
Chính vì sự tiện lợi, nhanh chóng mà hầu hết mọi người hiện nay, nhất là dân văn phòng vẫn thường xuyên mua hàng bằng hình thức online. Chỉ riêng về phần ăn uống đã có không ít ứng dụng nổi tiếng hoạt động rầm rộ, đặc biệt là về mặt hàng trà sữa đang cực kỳ ưa chuộng thời gian gần đây.
Chỉ cần chọn 1 ứng dụng đặt hàng nào đó bất kỳ, gõ tên thương hiệu trà sữa muốn đặt, rồi cứ thế mà chọn một địa điểm gần nhất theo danh sách vừa hiển thị ở trên là đã có người đến tận nơi mua rồi mang đến tận nhà cho bạn thưởng thức mà chẳng cần phải đi ra ngoài, đến tận nơi giữa thời tiết nắng mưa thất thường như thế này.
Đó chính là sự tiện lợi của việc mua hàng online ngày nay, nhưng cũng vì thế mà đôi lúc chính nó lại hại chúng ta không hề hay biết. Như việc mua phải hàng giả, trúng phải cửa tiệm "nhái" vì online mà, làm sao biết mặt mũi nơi đó ra sao, buôn bán thế nào, có đúng là nằm trong chuỗi các hệ thống chính hãng của thương hiệu ấy hay không!?
Và gần đây nhất một loạt "chuỗi trà sữa Fake" được nhiều người phanh phui khắp mạng xã hội.
Lần theo những địa chỉ đó, chúng tôi đã tìm đến các cửa hàng bán trà sữa được ghi trên một số ứng dụng đặt hàng online là "Heekcaa - Trà sữa Đài Loan" và "Royaltea Take Away" hiện đang đặt cơ sở tại quận 10, quận 6, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình. Tuy nhiên khi kiểm tra trên website của các thương hiệu này lại hoàn toàn không nhìn thấy tên của các địa chỉ trên.
Và khi đến nơi, chúng tôi cực kỳ bất ngờ bởi đây gần như hoàn toàn là những "hộ dân" đang ở rất cũ kỹ, lộn xộn chứ không phải là một cửa hàng lớn, khang trang như thường thấy của các thương hiệu này. Ấy thế mà ngay trước cửa nhà vẫn treo đầy ắp các bảng hiệu nào là Heekcaa, RoyalTea có đủ. Và đáng nói hơn là hàng loạt các tài xế của các ứng dụng đặt hàng online cũng đang ngồi rất đông tại đây để chờ lượt mua hàng cho khách.
Trà sữa mác thương hiệu.... "Giảm giá sâu" chỉ còn 1/2 giá gốc!?
Khi đi sâu vào bên trong những cơ sở bán trà sữa gắn mác thương hiệu nổi tiếng này mới thấy công nghệ chế biến của họ cực kỳ thô sơ, nếu không nói thẳng ra là hoàn toàn bằng thủ công với vài nguyên liệu cơ bản thấy rõ nhãn mác nhưng một số còn lại thì không.
Nhiều cửa hàng thậm chí còn không có menu, bởi phần lớn khách mua tại đây đều đặt từ các ứng dụng online. Mọi người sẽ xem rồi chọn trực tiếp trên điện thoại với đầy đủ các món của thương hiệu lớn. Kiểu như họ có gì tôi có nấy, không sót món nào. Mà quan trọng hơn hết là phần giá cả luôn ở mức rẻ hơn từ 1/3, có món còn không bằng 1 nửa của thương hiệu gốc.
Để khách hàng không nghi ngờ, các cửa hàng này thường đăng thông báo hoặc quảng cáo trên online theo hình thức có chương trình khuyến mãi và được "giảm giá sâu". Chính vì thế mà họ dễ dàng qua mặt người mua do không thể tận mắt chứng kiến quá trình chế biến hay tận mục sở thị nơi hoạt động của mình.
Uống thử trà "Fake" và trà Thật!
Sau khi mua được 2 ly trà sữa Heekcaa và Royaltea hàng Fake, chúng tôi đã mua thêm 2 ly hàng thật theo địa chỉ được ghi trên website chính thức của 2 thương hiệu này để về uống thử thì thật bất ngờ...
Về ngoại hình thì Heekcaa Fake đang dùng mẫu ly bầu tròn, khác hoàn toàn mẫu mã ly thật. Logo in trên thân ly Heekcaa Fake cũng thiếu mất dòng chữ "Saigon - Chesse tea original creator" và nắp đóng nilon trên mặt cũng sai hoàn toàn so với mẫu thật.
Sau đó về vị của ly trà sữa trân châu đen Heekcaa Fake thì nước rất nhạt, cảm giác giống như đang uống nước nhiều hơn là trà và sữa. Đặc biệt phần trân châu ở ly Heekcaa thật lại rất thơm, tuy nấu mềm nhưng vẫn còn giữ độ dai nhất định. Còn ly fake lại bị bở, nhão, thậm chí còn bị dính lại đôi chút bột trân châu trên thành ly.
Ngoại trừ trà sữa trân châu đen thì chúng tôi cũng có mua thêm 1 ly vị matcha (trà xanh) vốn cũng rất nổi tiếng với thương hiệu Heekcaa. Nhưng khi uống của ly fake, tôi gần như đã bị "sốc" ngay lập tức vì vị nồng rất khó chịu của matcha xộc hết cả cuống họng. Dù chỉ uống 1 ngụm nhỏ, nhưng chính cái vị này đã đọng lại trong miệng suốt hơn 3 tiếng đồng hồ sau đó mới có thể biến mất hoàn toàn.
Còn với RoyalTea thì chúng tôi đã mua 2 ly trà trái cây và cũng nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa hàng xịn và hàng dỏm.
Đối với RoyalTea thật thì luôn có 1 chiếc túi nilon đựng cả ly ở bên trong, còn với hàng fake thì chỉ có 1 chiếc quai bọc ở giữa ly.
Về mùi vị tuy không sốc như Heekcaa dỏm, nhưng cơ bản RoyalTea giả vẫn có 1 cái vị hoàn toàn khác với hàng thật, nhất là mùi trà không thơm dù vẫn rất đậm, đến nỗi khi uống xong có cảm giác tê tê đầu lưỡi. Còn trái cây bên trong ly cũng không "đậm đà" chất lượng bằng hàng thật khi thì cam sành, lúc thì cam mỹ, dù vẫn có dưa hấu và tắc như bên hàng thật, nhưng Royaltea giả lại không có được dâu tây. Nghĩ cũng đúng thôi, với mức giá chỉ 30 mấy nghìn một ly, trong khi hàng thật tới hơn 50 nghìn thì làm sao sánh bằng.
Tóm lại dù giả mạo có hay, ẩn mình có giỏi cách mấy thì những ly trà sữa giả này vẫn có mùi vị và chất lượng hoàn toàn thua xa những ly thật. Nhưng cũng sẽ thật khó đoán nếu như bạn chỉ uống một mình nó mà không có sự so sánh giữa đồ thật và giả và hội qua mặt chúng ta vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Đừng vì ly trà rẻ hơn bình thường mà hại chính mình
Giữa thời điểm mà trà sữa đang cực kỳ hot như hiện nay thì đúng là cơ hội để những kẻ gian thương lợi dụng. Thế nhưng thay vì được tận mắt chứng kiến cơ sở sản xuất hay phải tốn quá nhiều thời gian để ngồi so sánh "thật, giả" như thế này thì việc "ẩn mình" dưới bóng các ứng dụng đặt hàng online quả là một "chiêu" vô cùng hiệu quả và cực kỳ nguy hiểm.
Chính vì thế mà mọi người phải cực kỳ cẩn thận, tìm hiểu kỹ địa chỉ của các chi nhánh được đăng tải công khai trên website hoặc Fanpage của họ để tránh không phải mua lầm của những cơ sở mạo danh này. Chuyện ăn uống là thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mình, vì vậy mà cẩn thận hơn một chút, đề phòng hơn một chút cũng là cách để tự bảo vệ mình.
Theo KT (Helino)