Đã gần 10 ngày Hà Nội mưa dầm dề không lúc nào ngớt, cộng thêm không khí ẩm, nồm sinh ra nhiều muỗi, côn trùng. Nhiều chị em than thở họ sắp hết quần áo khô để mặc.
Các tiệm giặt là chật kín đồ đạc. |
Cùng cảnh khó chịu vì thời tiết, chị Nguyễn Mai (Phố Huế, Hà Nội) bộc bạch: "Nhà mình có hai con nhỏ, đi học về hôm nào là thay hôm đó nên bây giờ sắp hết quần áo để mặc rồi.
Nhiều hôm đi làm về mệt nhưng mình vẫn phải thức tận khuya để là lượt, hong cho quần áo của cả nhà. Mới đây cả hai vợ chồng quyết định khi có khoảng chục cân quần áo thì mang ra tiệm giặt khô đầu ngõ cho nhanh. Tuy có tốn tiền nhưng được cái tiện".
Quần áo, chăn màn được bỏ trong bao tải chở đến tiệm giặt là. |
Dù biết là sẽ phải tốn kém một số tiền kha khá nhưng nhiều chị em không còn lựa chọn nào khác.
Tiệm giặt là hoạt động hết công suất. |
Chị Thu Hằng, chủ cửa hàng giặt là trên đường Doãn Kế Thiện cho hay, quần áo khách mang tới giặt sẽ được tính theo kg. Lượng khách quá đông nên cửa hàng đã quyết định tăng giá lên 15.000 đồng/kg quần áo, cả giặt, xả, sấy khô mang về chỉ việc mặc thôi. Vì mùa này độ ẩm cao, hầu hết mọi người đều yêu cầu hong khô nên công việc ở cửa hàng đều khá bận rộn”, chị Hằng tâm sự. Từ đầu tuần tới nay, mỗi ngày chị nhận về chừng 50kg quần áo, không kể những đám chăn còn đang chất chồng. Mỗi chiếc chăn được giặt với giá dao động từ 50-70 ngàn đồng tùy loại nước xả vải và chất liệu của chăn. “Mỗi ngày chăm chỉ, mình cũng thu về chừng 2 triệu đồng, đã trừ cả tiền điện và tiền bột giặt, nước xả vải.
Sáng bật điều hòa, tối có quần áo khô để mặc
Nhà có hai con nhỏ, chị Ngọc (Ao Sen, Hà Đông) rơi vào cảnh 'bấn loạn' vì trời mồm ẩm. Phơi quần áo cả tuần không khô, cuối cùng, chị phải chọn cách bật điều hòa ở chế độ hút ẩm, rồi rải quần áo khắp chỗ nào có thể trong phòng.
|
Chị Ngọc chọn cách rải quần áo khắp phòng, rồi bật điều hòa trước khi đi làm để hong khô. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Cùng cảnh khó chịu với những bất tiện mà thời tiết nồm ẩm mang lại, một Facebooker chia sẻ kinh nghiệm làm khô quần áo bằng điều hòa trên trang cá nhân:
1. Chọn phòng bé nhất trong nhà (để hiệu suất của máy điều hoà được cao nhất).
2. Mang giá phơi quần áo inox vào phòng, phơi quần áo ẩm lên, cố gắng sao cho giữa mỗi quần/áo có ít nhất 5cm để không khí lưu thông, một số quần áo có thể bày trên giường
3. Bật điều hoà ở chế độ hút ẩm, để nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn ngoài trời 1, 2oC, cho điều hoà chạy ở mức gió tự động khoảng 1 tiếng
4. Chuyển điều hoà sang chế độ sưởi, để ở nhiệt độ cao nhất và gió tốc độ mạnh nhất trong vòng 1-2 tiếng, sờ thấy quần áo khô cong là được.
Sở dĩ phải có bước 3 vì nếu thực hiện bước 4 ngay, bỏ qua bước 3, thì những vùng trong phòng mà gió nóng không với tới được sẽ bị tụ ẩm do chênh lệnh nhiệt độ khi trong phòng hình thành các vùng “vi khí hậu”, anh này chia sẻ.
Mua máy sấy, đổ vôi chống nồm
Khác với nhiều chị em lựa chon việc đưa quần áo đi giặt khô, là hơi để có quần áo mặc nhanh chóng thì một số khác lại lựa chọn việc đi mua máy sưởi, máy sấy quần áo để chống nồm ẩm.
Nhiều gia đình sắm máy sấy quần áo để chủ động trong việc giặt giũ. |
Chị Loan cho hay: “Căn hộ vợ chồng tôi ở thuê nằm ở tầng 1 của một khu tập thể cũ. Vì xây từ lâu đời nên nền gạch rất thấp, vào những ngày trời nồm, toàn bộ nền nhà như bị ngấm nước. Hơn thế, cửa nhà lại nằm ngay sát cầu thang lên xuống của mọi người nên ngày nào cũng có bùn đất, nước bám lại trông rất bẩn thỉu. Vì vậy, cứ đi làm về là vợ chồng tôi lại phải vật lộn với đống công việc “trời ơi, đất hỡi” ấy”.
Rồi chị chia sẻ thêm: “Chiều qua, vợ chồng tôi đã quyết định mua một chiếc máy sấy và đúng là có hiệu quả, mặc dù nhà cửa vẫn ẩm mốc nhưng quần áo thì đến hôm nay đã đủ mặc, không bị ẩm nữa. Nhiều chị em trong công ty cứ bảo mua cả máy sưởi nữa nhưng vợ chồng tôi vẫn còn lưỡng lự”.
Không quá cầu kỳ khi mua sắm máy sưởi, máy sấy, chị Hoài An cũng ở khu tập thể Thanh Xuân chia sẻ: “Vợ chồng tôi không mua máy mới mà thường đi chọn mua những máy cũ ở các tiện bán đồ điện tử. Giá rẻ chưa bằng một nửa nhưng dùng thấy ổn. Bằng giá tiền mua máy mới, chúng tôi có thể mua máy sấy, máy sưởi và bàn là ba trong một”.
“Dân gian ta thường bật mí một số biện pháp chống nồm như lót nền bằng bao xi măng, đổ xỉ than, vôi…, nhưng vẫn không chống được nồm bởi độ ẩm thường theo không khí vào nhà. Để có thể hạn chế nồm là chăm lau chùi nhà cửa, sử dụng máy móc để sấy khô vật dụng. Mọi người phải đóng kín cửa, bịt các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Nếu mở cửa cho thoáng sẽ làm nhiều không khí ẩm vào nhà và độ ướt nhẫy càng cao”, Chị Mai Lan,( Hà Đông, Hà Nội) sống tại chung cư Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, (Hà Nội) cho biết.
Chị Mai Lan cũng chia sẻ thêm: “Đối với quần áo tôi thường hạn chế giặt trong những ngày trời nồm. Nếu giặt phải đem phơi cho khô hẳn, sau đó là nóng rồi mới cất vào tủ quần áo khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra sau khi cất tôi thường cho vài viên chống ẩm vào tủ quần áo.
Theo Hạnh Thúy - Đỗ Dung - Thúy Tình (VietNamNet)