Những ngày qua, cộng đồng mạng được một phen "hết hồn" với những dòng tâm sự của một tài khoản có tên R.C trên facebook. Cụ thể, có một cô gái không quen biết đã nhắn tin cho R.C với nội dung: "Bạn ơi, cho mình hỏi con mèo bạn nuôi bạn mua ở đâu vậy". Câu hỏi khá lịch sự và rõ ràng, ấy vậy mà không những không trả lời cô gái ấy, R.C còn tỏ ra "thượng đẳng" và nhắn lại: "Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn? Rất tiếc, bạn không có thứ mình cần và bạn hỏi không lịch sự nên mình không cần trả lời bạn". Đoạn chat được R.C chụp lại và up lên facebook cá nhân cùng chia sẻ:
Nhiều người không biết cách đặt câu hỏi ghê. Chả biết có ý định gì
1. Nếu muốn bắt chuyện làm quen thì có thể khen con mèo xinh là được rồi
2. Nếu muốn biết mua mèo ở đâu thì thân thiết hơn hẵng hỏi, chứ không quen không biết gì thì sao R.C phải trả lời câu hỏi của bạn? Bạn đang nghĩ bạn là ai?
Mối quan hệ thân - sơ nó quyết định khá nhiều đến cách giao tiếp và nội dung câu hỏi bạn được phép đặt. Nên giao tiếp với bất kì ai cũng nên dùng não suy nghĩ trước khi hỏi. Đừng dùng "cái thứ trên cổ của bạn" chỉ để đội mũ. Lãng phí.
Rõ ràng, phản ứng của R.C có phần thái quá và cực đoan bởi ai cũng đều nhận thấy tin nhắn của cô gái khá lịch sự và chẳng có chút tà ý nào. Vẫn biết rằng mỗi người đều có một quy chuẩn riêng trong việc giao tiếp, hoặc tương tác trên mạng xã hội bởi "cái tôi" của chúng ta khác nhau. Nhưng phải làm sao để "cái tôi" không khiến chúng ta ảo tưởng rằng mình thượng đẳng còn người khác thì ngu ngốc?
Thực chất thì "cái tôi" là cái gì?
Nhắc đến "cái tôi", chúng ta thường nghĩ đến những "tiếng xấu" mà nó bị gán cho: kiêu căng, ngạo mạn, tự cao tự đại, tôi là trên hết,… Liệu có đúng như vậy không?
Theo nhà Tâm lý học nổi tiếng người Áo - Sigmund Freud: "Cái tôi (ego) là thành phần tâm lý của bộ máy tư duy. Nó được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, là trung gian cân bằng những ham muốn vô thức (Id) và những tiêu chuẩn đạo đức và xã hội (super ego)". Như vậy, cái tôi là một phần không những mặc định mà còn rất quan trọng của tâm trí con người.
Hiểu một cách đơn giản, khi cái tôi của mỗi người phát triển, thì nhận thức của cá nhân họ về cuộc sống cũng sẽ phát triển.
Tuy nhiên, khi phóng đại cái tôi của bản thân quá mức, những mặt tốt đẹp của cái tôi bị lấn át bởi những hậu quả mà nó mang lại. Người chịu hậu quả trực tiếp và mạnh mẽ nhất chính là bản thân chủ thể sở hữu cái tôi. Cái tôi lớn khiến chúng ta nghĩ mình là "cái rốn của vũ trụ". Cuộc đời của những người này sẽ là một chuỗi ảo tưởng liên tục. Họ luôn xem mình là đúng, do đó, người khác là sai nếu làm trái ý họ. Họ luôn xem mình là đẹp, do đó, người khác là xấu nếu vẻ đẹp ấy không giống tiêu chuẩn của họ.
Nhìn lại chia sẻ của R.C, chúng ta đều có thể thấy rằng anh ấy là một điển hình của người có cái tôi đã bị phóng đại quá mức. Chỉ bằng một câu hỏi "con mèo bạn nuôi bạn mua ở đâu thế", R.C đã có thể khẳng định người hỏi mình là người không lịch sự. Thậm chí, anh còn rao giảng và đá đểu cô gái về việc không biết dùng não trước khi hỏi.
Phải làm sao để kiểm soát "cái tôi" của chính mình?
Có thể, chúng ta đều thấy phản ứng của R.C là thái quá và cực đoan. Bởi nhận ra sai lầm của người khác luôn dễ dàng hơn việc nhận ra sai lầm của bản thân. Nhưng chắc hẳn, không ít thì nhiều, ai cũng từng có những khoảnh khắc nổi nóng, tức giận vô cớ, thậm chí chửi mắng người khác chỉ vì họ không hành động giống như chúng ta kỳ vọng. Theo Sigmund Freud, đó chính là một biểu hiện của cái tôi quá cao. Và một cái tôi quá cao sẽ ngăn cản một người khỏi việc tiếp thu tri thức và cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống. Vì khác biệt chính là một vẻ đẹp. Chúng ta đặc biệt bởi chúng ta không giống nhau. Bởi thế, hãy hạ cái tôi của mình xuống một chút, để có một cái nhìn cởi mở hơn với mọi người xung quanh.
Đến cuối cùng, người chịu hậu quả từ việc phóng đại cái tôi của chính mình, thực ra chẳng là ai khác, mà chính là khổ chủ của cái tôi đó mà thôi. Hãy nhìn những phản hồi mà R.C đang phải nhận, bạn sẽ biết vì sao không nên tâng bốc cái tôi của chính mình. Và thiết nghĩ, thay vì tiếp tục chửi mắng anh ấy, chúng ta nên nói một lời cảm ơn! Vì nếu không có anh ấy, có lẽ chúng ta không biết rằng việc ảo tưởng rằng bản thân thượng đẳng hơn người lại nguy hiểm và đáng sợ đến thế!
Theo AMT (Helino)